Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳnh Lưu nghe và cho ý kiến về kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, giai đoạn 2023 – 2030
Chiều ngày 30/8, Ban thường vụ Huyện ủy Quỳnh Lưu tổ chức Hội nghị nghe và cho ý kiến về kế hoạch, phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, giai đoạn 2023 – 2030. Đồng chí Hoàng Danh Lai – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện chủ trì hội nghị.
Tham dự có đồng chí Lê Xuân Kiên – Phó bí thư Thường trực Huyện ủy; đồng chí Hoàng Văn Bộ - Phó bí thư, Chủ tịch UBND huyện; các đồng chí Ủy viên Ban thường vụ Huyện ủy, trưởng các phòng, ban huyện, Bí thư, chủ tịch UBND các xã, thị trấn trong diện sáp nhập.
Các đại biểu tham dự
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe dự thảo kế hoạch số 166 ngày 28-8-2023 của UBND huyện Quỳnh Lưu về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện giai đoạn 2023 – 2025.
Đồng chí Hoàng Văn Bộ - Chủ tịch UBND huyện phát biểu tại hội nghị
Theo đó, căn cứ quy định sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết số 35/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, UBND huyện Quỳnh Lưu xây dựng báo cáo dự kiến phương án sơ bộ sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 – 2030 như sau:
Giai đoạn 2023 – 2025 dự kiến sắp xếp 16 đơn vị hành chính thành 7 đơn vị hành chính mới (kết thúc giai đoạn này toàn huyện còn 24 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 1 thị trấn và 23 xã).
Giai đoạn 2026 – 2030 dự kiến sáp nhập 5 đơn vị (sau giai đoạn này toàn huyện còn 21 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 1 thị trấn và 20 xã).
Đồng chí Lại Thế Toàn – Bí thư Đảng ủy thị trấn Cầu Giát phát biểu ý kiến
Hội nghị đã dành nhiều thời gian cho các đại biểu đại diện cho các xã, thị trấn thảo luận, đóng góp ý kiến để nắm rõ các chủ trương, chính sách của Đảng về việc sắp xếp các đơn vị hành chính.
Toàn cảnh hội nghị
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Hoàng Danh Lai – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện nhấn mạnh: Việc sắp xếp hành chính cấp xã là việc khó, thời gian gấp, trong bối cảnh các cấp, các ngành phải thực hiện nhiều việc khác liên quan để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị năm 2023. Vì vậy, trong thời gian tới các ban, ngành, đoàn thể của huyện, cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị cần tổ chức tốt việc quán triệt, tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trong huyện nhằm tạo sự đồng thuận; các xã sáp nhập phải chủ động xây dựng đánh giá toàn diện về mặt kinh tế, văn hóa, xã hội và truyền thống, đặc thù của từng địa phương để có nội dung tổ chức họp với toàn Đảng bộ, họp xuống tới chi bộ thôn, xóm và có từng lộ trình, giai đoạn cụ thể. Trong suốt quá trình triển khai thực hiện phải luôn đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, duy trì phát triển kinh tế - xã hội.
Thanh Toàn – Đức Thiên