GHI CHÉP: CHUYỆN NHỮNG NGƯỜI “VÁC TÙ VÀ HÀNG TỔNG” Ở VÙNG GIÁO QUỲNH LƯU
Trong
những chuyến công tác về cơ sở, chúng tôi được gặp, trò chuyện với một số Trưởng
thôn, Trưởng ban công tác Mặt trận ở vùng đồng bào Công giáo huyện Quỳnh Lưu, cảm
nhận được sự cần mẫn, tận tụy, trách nhiệm và giàu nhiệt huyết với
công việc của thôn, khu dân cư, đi trước, làm trước trong các hoạt động của cộng
đồng, được dân tin, dân quý, dân yêu. Họ là những con người rất bình dị, sống mẫu
mực, gương mẫu, “tốt đời đẹp đạo”, được mọi người yêu mến gọi với cái tên
thân mật: Những người “vác tù và hàng tổng”.
Kỳ 1: Người cán bộ
Mặt trận tận tụy với việc làng và tận lực vì dân
Tôi
gặp ông vào một buổi chiều tháng 8, trong không khí náo nức chào mừng Cách mạng
tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9. Ngồi trò chuyện cùng ông, khi nhắc đến
chuyện của bà con trong thôn gọi ông là “ông Mặt trận vác tù và...”, ông cười
nói rằng: “Là trưởng ban Mặt trận, không “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” thì
chẳng nên cơm cháo gì. Anh về cơ sở mà xem, đám hiếu đám hỉ có ông Mặt trận;
hàng xóm láng giềng tiếng bấc tiếng chì, tìm ông Mặt trận; vợ chồng cơm không
lành, canh không ngọt cũng gọi ông Mặt trận...”
Ông Dương Hà Nam giới thiệu sản phẩm hải sản chế biến của Cơ sở Hải sản Nam Nghĩa.
Người
mà tôi nói đến ở đây là Ông Dương Hà Nam (sinh năm 1965), là giáo dân thuộc
giáo xứ Phú Yên (thôn Tân An, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu). Năm 1984, theo tiếng
gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ vào Binh đoàn 12 đóng quân
trên đất nước bạn Lào. Sau 3 năm cống hiến tuổi thanh xuân trong quân ngũ, trở
về địa phương, ông tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương,
“vì cái chất lính trong người không cho mình ngồi yên, khát khao cống hiến và
được cống hiến”- ông Dương Hà Nam tâm sự - “Năm 1990 làm Bí thư chi đoàn thôn,
năm 2000 được người dân tín nhiệm bầu làm Trưởng ban công tác Mặt trận, rồi sau
đó kiêm luôn Trưởng thôn đến nay. Cái thời đó lấy sức mình ra để lo việc thôn,
việc xóm thôi chứ chế độ đãi ngộ chỉ được mấy chục ngàn đồng, nhưng vẫn vui, vẫn
thấy lòng thanh thản”. “Đảm nhận nhiều vị trí vậy, ông có lo kham không nổi, rồi
mọi người bảo ông ham chức vị?”- Tôi hỏi chân thành. Ông chia sẻ: Mọi người vẫn
ví công việc của tôi là “vác tù và hàng tổng”, nhiều lúc gánh trên vai việc
nhà, việc làng cũng thấy mệt muốn nghỉ lắm nhưng bà con chưa cho nghỉ, những
lúc như vậy nghĩ tới sự tin tưởng, tình cảm của bà con dành cho mình nên tôi lại
cố gắng nỗ lực hơn. Đến nay tôi đã làm Trưởng ban công tác Mặt trận và Trưởng
thôn hơn 20 năm, trong mọi công việc tôi đều đặt lợi ích của tập thể lên trên hết,
bản thân luôn gương mẫu đi đầu, có vậy bà con mới tin tưởng làm theo, công việc
ngày càng thêm thuận lợi. Nhờ vậy mà hầu hết nhiệm vụ của thôn đều hoàn thành tốt.
Thôn
Tân An có 275 hộ và 1.350 nhân khẩu, là thôn giáo dân toàn tòng, sinh sống ven
sông Mai Giang, không có đất sản xuất nông nghiệp, nghề nghiệp bà con ở đây là
sản xuất muối, đánh bắt hải sản, chế biến nước mắm truyền thống nên đời sống của
bà con gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi giá muối không ổn định, phương tiện
đánh bắt nhỏ lẻ nên thu nhập bấp bênh. Cuộc sống đói nghèo cứ dai dẳng bám vào
người dân nơi đây, trước năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm 40 – 45%,
bình quân thu nhập đầu người chỉ đạt từ 8 – 10 triệu đồng/năm; nhiều gia đình dẫu
không còn là hộ nghèo, hộ cận nghèo nhưng rất dễ tái nghèo nếu điều kiện sản xuất
không thuận lợi. Đường làng ngõ xóm chật hẹp, giao thông đi lại rất khó khăn…
Nhưng
đó là câu chuyện hơn 10 năm về trước, hôm nay về với thôn Tân An, đi trên những
con đường trải thảm bê tông rộng thoáng, cảm nhận được một sự đổi thay của một
vùng đất nắng gió mặn mòi. Ông Nam bảo: “Năm 2023, thôn Tân An tỷ lệ hộ nghèo
chỉ còn 0,3%, hộ khá và giàu 55%, bình quân thu nhập đạt trên 45 triệu đồng/người.
Có được kết quả đó, thời gian qua chúng tôi xác định cần phải đầu tư vốn để
đóng tàu lớn, mua sắm ngư lưới cụ và trang thiết bị đánh bắt hiện đại như Ecom,
máy dò, công nghệ đèn Led, hầm PU bảo quản sản phẩm... đủ khả năng vươn khơi
bám biển dài ngày, khai thác đánh bắt ở ngư trường xa bờ. May mắn là được sự tiếp
sức của nguồn tín dụng vốn ưu đãi của Nhà nước và chương trình hỗ trợ
theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP để mua sắm ngư lưới cụ và đầu tư đóng mới hoặc tu
sửa lại phuơng tiện đánh bắt, tạo nên niềm hy vọng về hướng phát triển kinh tế
biển bền vững”.
Muốn
thực hiện thắng lợi mục tiêu này, theo ông Dương Hà Nam thì các thành viên của
Mặt trận như: CCB, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và từng hộ dân...
tất cả đều vào cuộc, phải biết phối hợp nhịp nhàng với Hội đồng mục vụ giáo xứ
và biết tranh thủ sự ủng hộ, đồng thuận của linh mục quản xứ, nhất là phải tạo
được niềm tin, sự đồng lòng, chung sức của từng người dân. Muốn vậy, thì cá
nhân mình phải đi đến với người dân, cùng đồng hành, chia sẻ với họ và bằng
chính việc làm của mình, gia đình mình để người dân tin.
“Vậy
trong quá trình “vác tù và hàng tổng”, ông có những kỷ niệm nào đáng nhớ?”- Tôi
hỏi. Ông đăm chiêu một ngụm trà: “Nhiều lắm! nhớ sao hết, vui có, buồn có, chán
nản cũng có, lớn nhỏ đều có. Nhất là giai đoạn 2015 – 2017 khi xảy ra sự cố môi
trường từ nhà máy Formosa, bà con chủ yếu sinh sống bằng nghề đi biển, kinh
doanh dịch vụ hậu cần nghề cá nên sự cố môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến người
dân, đời sống gặp rất nhiều khó khăn, an ninh trật tự trên địa bàn rất phức tạp
do có một số người dân bị các đối tượng xấu lôi kéo, kích động tham gia tuần
hành phản đối công ty Formosa. Lúc đó, để ổn định được tình hình, tôi đã cùng với
những người có uy tín trong thôn kiên trì tuyên truyền, vận động. Với phương
châm “mưa dầm thấm lâu”, cảm phục trước sự nhiệt huyết của những người cán bộ
thôn, dần dần người dân nhận thức được sự việc, không tham gia tuần hành nữa, sớm
ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất”. “Để chủ trương của Đảng, Nhà nước đến
với bà con thì ngoài sự nhiệt tình, trách nhiệm, tâm huyết, mình cần phải khéo
léo, kiên trì để bà con hiểu. Khi công tác tuyên truyền đã thấm sâu vào từng hộ,
từng cá nhân và đạt được sự đồng thuận cao thì mọi việc đều được thực hiện suôn
sẻ” - ông Nam chia sẻ.
Thôn
Tân An có 15 chiếu tàu thuyền đánh bắt xa bờ, với sản lượng khai thác hàng năm
từ 640 - 650 tấn, giá trị đạt từ 42 - 45 tỷ đồng. Điều làm ông luôn băn khoăn,
trăn trở là khi khai thác hải sản về không có doanh nghiệp thu mua hoặc bị tư
thương, doanh nghiệp ép giá nên bà con ngư dân gặp rất nhiều khó khăn trong
tiêu thụ sản phẩm, trong khi đó lao động không có việc làm tại thôn còn nhiều.
Xuất phát từ nghề chế biến nước mắm truyền thống của làng, ông nay ra ý tưởng
thành lập Làng nghề chế biến nước mắm. Với ý tưởng đó, ông tìm tòi, học hỏi xây
dựng kế hoạch, đề án trình UBND xã và huyện, sau thời gian dài chờ đợi, năm
2009 Làng nghề chế biến hải sản Phú Yên (An Hòa) ra đời trong sự vui mừng vỡ òa
của bà con trong thôn. Nay Làng nghề chế biến hải sản Phú Yên có 81 hộ làm nghề
chế biến nước mắm phát triển hiệu quả, với sản lượng hàng năm đạt trên 780 ngàn
lít, giá trị đạt trên 42 tỷ đồng; ngoài ra có các cơ sở chế biến đông lạnh, sấy
khô hải sản xuất khẩu, doanh thu trên 22 tỷ đồng, thu hút trên 950 lao động cho
thu nhập ổn định từ 7 – 9 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm nước mắm Tân An đã
được Cục sở hữu trí tuệ, Bộ khoa học và công nghệ cấp giấy chứng nhận thương hiệu,
hiện nay đang trình hồ sơ đề nghị công nhận sản phẩm Ocop 3 sao.
Riêng
gia đình ông, với tư tưởng là mình phải gương mẫu đi đầu, có vậy mới tạo sức
lan tỏa, bà con mới tin tưởng làm theo, ông lập dự án đề xuất với chính quyền
các cấp cho thuê 2.500m2 đất hoang hoá để xây dựng cơ sở “dịch vụ hậu cần nghề
cá ” mang tên “Cơ sở chế biến hải sản Nam Nghĩa”. Được chính quyền các cấp chấp
thuận dự án, Ngân hàng Nông nghiệp &PTNT và Ngân hàng chính sách xã hội huyện
cho vay từ chương trình giải quyết việc làm cộng với từ nguồn tích góp của gia
đình, vay mượn bạn bè, người thân, ông đã bắt tay vào đầu tư xây dựng bến bãi tập
kết tàu thuyền để thu mua hải sản, nhà xưởng chế biến, xưởng đá lạnh và các dịch
vụ hậu cần khác phục vụ cho tàu cá; ngoài ra thông qua mạng internet, ông đã
tìm các đối tác tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu và tập trung quảng bá
hình ảnh về sản phẩm “Hải sản Nam Nghĩa”. Hàng tháng, Cơ sở chế biến hải sản
Nam Nghĩa đã thu mua từ 3 - 4 trăm tấn cá, mực các loại để chế biến bán ra thị
trường trong tỉnh, ngoài tỉnh và một số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc;
ngoài ra ông tập trung đầu tư vào chế biến nước mắm truyền thống, chế biến ruốc,
mỗi năm bán ra thị trường 15 - 20 ngàn lít nước mắm, với giá bình quân 70 ngàn
đồng/lít, thu nhập hàng năm từ 1,3 – 1,4 tỷ đồng; giải quyết việc làm thường
xuyên cho 25 lao động và 17 lao động mùa vụ, thu nhập từ 8 – 10 triệu đồng/ người/tháng.
Cùng
với sự năng động, sáng tạo, ý chí kiên cường của người lính cụ Hồ, ông Dương Hà
Nam luôn sẵn sàng giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhất là những
hoàn cảnh ốm đau hoạn nạn, không chỉ tạo công ăn việc làm tại chỗ cho nhân dân
trong xã, ông còn là “bà đỡ” giúp người dân trong thôn về vốn, hỗ trợ kỹ thuật
và giúp tiêu thụ sản phẩm, nhờ vậy mà đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt.
Trong xây dựng nông thôn mới, ông luôn hăng hái đi đầu và vận động nhân dân hiến
đất mở đường, đóng góp kinh phí, xây dựng đường làng, ngõ xóm, giữ gìn vệ sinh
môi trường. Đến nay có 100% tuyến đường trong thôn được bê tông hoá, xây dựng
các tuyến đường “sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”, xây dựng được hơn 500m tuyến
đường cờ “Đại đoàn kết” để treo cờ Tổ quốc trong các dịp lễ, tết; xây dựng mới
nhà văn hóa thôn và sân vui chơi thể thao trị giá trên 850 triệu đồng, góp phần
xây dựng khu dân cư “Văn minh và phát triển”, cảnh quan xóm làng ngày càng văn
minh, trù phú.
Trong
công tác bác ái, từ thiện nhân đạo, thôn Tân An luôn là thôn đi đầu trong các đợt
vận động của MTTQ xã, điển hình như ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 số tiền 50
triệu đồng, ủng hộ Tết vì người nghèo và quỹ vì người nghèo tính giai đoạn 2021
– 2024 trên 15 triệu đồng. Trong 5 năm qua, cùng với sự hỗ trợ từ Quỹ vì người
nghèo của MTTQ huyện, ông đã đứng ra kêu gọi, vận động nhân dân trong thôn và
các nhà hảo tâm ủng hộ vật chất, ngày công để xây dựng 10 ngôi nhà “đại đoàn kết”
cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở, đem lại niềm vui “an cư lạc nghiệp” cho người
nghèo; ngoài ra còn thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ cho người nghèo, người bị bệnh
hiểm nghèo, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn hàng chục triệu đồng…
Trao
đổi với chúng tôi, Ông Nguyễn Xuân Quyết, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã An Hoà, kiêm
bí thư chi bộ Tân An cho biết, với hơn 20 năm làm Trưởng ban công tác Mặt trận,
ông Dương Hà Nam không chỉ làm kinh tế giỏi mà trên cương vị Trưởng ban công
tác Mặt trận ông luôn năng động, nhiệt huyết, tận tụy hết mình với công việc,
gương mẫu đi đầu trong các phong trào hoạt động của xã và thôn, luôn chăm lo cuộc
sống cho nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết lương giáo, là một tấm gương điển
hình sống tốt đời, đẹp đạo, kính Chúa, yêu nước.
Cá
nhân và gia đình ông đã nhận được nhiều bằng khen của trung ương, của tỉnh và
giấy khen của huyện; năm 2023 ông vinh được Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An tặng
Bằng khen vì đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong 20 năm xây dựng khối đại đoàn
kết toàn dân tộc tỉnh Nghệ An.
Kỳ 2: Trưởng thôn
"thắp lửa" phong trào vùng giáo
Thôn
8 (xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu) có 223 hộ, 1.340 nhân khẩu, là thôn giáo dân
toàn tòng sinh sống thuộc giáo xứ Cẩm Trường, bằng sự bền bỉ, tâm huyết, trách
nhiệm, cùng với cách làm sáng tạo trong công tác “dân vận khéo”, ông Phan Văn
Thăng – Thôn trưởng thôn 8, đã từng bước vực dậy phong trào xây dựng nông thôn
mới (NTM) của thôn và ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả, được người dân tin
yêu, mến phục.
Ông Phan Văn Thăng, xóm trưởng xóm 8 (xã Quỳnh Yên) tuyên truyền chính sách qua hệ thống truyền thanh của xóm.
Đảm nhận chức vụ thôn trưởng cuối năm 2015, thời
điểm đó thôn 8 là một trong những thôn khó khăn nhất của xã Quỳnh Yên; bà con
nơi đây chủ yếu sản xuất nông nghiệp nhưng diện tích các thửa ruộng nhỏ hẹp,
manh mún, giao thông đi lại khó khăn, thủy lợi nội đồng xuống cấp… nên thu nhập
rất thấp. Điều này khiến quá trình phát triển KT - XH gặp nhiều khó khăn, trở
ngại, đặc biệt là trong xây dựng NTM. Tuy nhiên không lùi bước trước khó khăn,
ông Phan Văn Thăng đã đặt ra mục tiêu đưa thôn 8 hoàn thành xóa bỏ manh mún về
ruộng đất đầu tiên của xã và xây dựng khu dân cư NTM để góp phần đưa xã Quỳnh
Yên đạt chuẩn Nông thôn mới. Lúc đó nhiều người cho rằng đây là một mục tiêu
thiếu thực tế vì khả năng của người dân trong thôn không thể thực hiện. Thế
nhưng ông Thăng cho rằng khi đã làm việc gì thì phải làm đến cùng, đến nơi đến
chốn chứ không làm nửa vời và phải có kế hoạch, mục tiêu cụ thể.
Thực
hiện Chỉ thị 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về đẩy mạnh vận động nông dân
“dồn điền, đổi thửa”, Đảng ủy, HĐND, UBND xã Quỳnh Yên đã ban hành các Nghị quyết,
kế hoạch chỉ đạo và giao trách nhiệm cho các thôn, xóm tuyên truyền, vận động
nhân dân thực hiện. Tuy nhiên, với tư tưởng ngại thay đổi và tâm lý sợ chia lại
thì phải nhận ruộng sâu sục hay cao cưỡng nên phần lớn bà con đều không đồng
tình. Để thực hiện thành công Chỉ thị này là điều không hề dễ dàng, nhất là tại
thôn 8, để khắc phục khó khăn và tìm cách giải thành công bài toán chuyển đổi
ruộng đất thì tại thôn 8, trong vòng 2 năm trưởng thôn vẫn loay hoay tìm giải
pháp vận động người dân và có những lúc tưởng chừng bỏ cuộc không thực hiện được.
Bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng điều cốt lõi là người dân sợ bắt thăm phải
ruộng sâu, ruộng cạn rồi khó canh tác.
Lúc
này ông Phan Văn Thăng đơn thuần chỉ là một người công dân bình thường, nhưng
khi tham gia các cuộc họp thôn mở rộng thì ông đã có những ý kiến hay, “thông tắc”
cho vấn đề dồn điền, đổi thửa. Nhờ đó, ông Thăng được bà con tín nhiệm bầu làm
Trưởng ban chuyển đổi ruộng đất của thôn. Khi đã có vai trò, ông Thăng dựa trên
danh sách chia đất cũ mà ban cán sự thôn đã lập, phân tích lý do tại sao dân lại
không đồng ý, từ đó đưa ra cách làm và phương thức dân vận phù hợp.
Theo
đó, ông đề xuất với ban cán sự thôn chia thêm đất cho bà con ở những diện tích
sâu sục, cụ thể như phần ruộng này 1 sào (500m 2 ) sâu sục thì chia
thêm cho các gia đình nhận phần đất này lên 1,2 sào hoặc 1,4 sào. Còn đối với
những vùng dễ sản xuất, cho năng suất cây trồng cao thì chia từ 500m 2 xuống
còn 400m 2 . Với phương án mang lại sự công bằng đó nên 100% bà con đồng
tình, nhất trí triển khai.
Chỉ
trong vòng 10 ngày của tháng cuối năm 2015 thôn đã chuyển đổi xong ruộng đất,
đây là thôn đầu tiên thực hiện xong chuyển đổi ruộng đất của xã. Ruộng lớn, bờ
to nên đã thuận lợi hơn trong công tác đưa cơ giới hóa vào sản xuất như máy cày,
máy cấy, máy gặp, hiệu quả cây trồng được nâng lên rõ rệt, kinh tế phát triển,
đời sống của bà con ngày càng khá giả. Sau khi thành công ở công tác này, ông
Phan Văn Thăng được bà con tin tưởng bầu làm Trưởng thôn thay cho Trưởng thôn
cũ. Ông đã góp công lớn xóa bỏ manh mún về ruộng đất.
Sau
khi tiếp nhận công việc vào cuối năm 2015, ông Thăng bắt tay ngay vào lãnh đạo
thôn xây dựng NTM, trong điều kiện có nhiều bộn bề khó khăn ở một vùng quê đời
sống của nhân dân còn nhiều vất vả và tất cả các phong trào của thôn đã tụt dốc
xuống tốp cuối của toàn xã. Ông Thăng nhớ như in những khó khăn khi vận động
người dân hiến đất, hiến cây, góp công, góp của. “Khi đó, phải vận động cả ngày
lẫn đêm, phối hợp nhuần nhuyễn với Hội đồng mục vụ giáo xứ nên người dân trong
thôn dần hiểu được ý nghĩa, lợi ích của việc xây dựng NTM” - ông Thăng nói. Để
người dân đồng thuận với chủ trương, chung sức, chung lòng xây dựng NTM, nhất
là làm đường giao thông nông thôn, là người Trưởng thôn, ông Thăng gặp không ít
những trắc trở trong vận động người dân hiến đất mở đường, vì trong suy nghĩ của
người dân “tấc đất là tấc vàng”. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, hàng ngày
ông cùng Ban công tác Mặt trận thôn đi đến từng nhà chuyện trò, động viên, sẻ
chia, vận động, thuyết phục họ. Ông tâm tình để bà con hiểu lợi ích của xây dựng
NTM, về những việc bà con nên làm, cần làm; cảm phục trước sự nhiệt huyết của
ông và cán bộ Mặt trận thôn, người dân dần dần hiểu về lợi ích xây dựng NTM và
sẵn sàng hiến đất, hiến cây, hiến tài sản, đóng góp kinh phí, tham gia ngày
công để làm đường, dọn dẹp cảnh quan, chỉnh trang vườn tạp để phát triển kinh tế,
xây dựng các công trình phúc lợi thiết yếu…
Trong
những năm (2017 – 2018) cao điểm toàn xã thực hiện phong trào xây dựng NTM, từ
chỗ không ai muốn hiến đất thì nay toàn thôn đã hiến hơn 1.150m 2 và
nhiều tải sản trên đất để mở rộng các tuyến đường nội thôn. Có mặt bằng,
ông Thăng tham mưu, đề xuất với UBND xã hỗ trợ xi măng và cho thôn triển khai
làm đường theo từng tông ngõ. Nghĩa là ở ngõ nào có bao nhiêu hộ dân thì tập hợp
lại và tổ chức họp, trong đó Trưởng thôn là người chủ trì. Ngoài xi măng được
Nhà nước hỗ trợ thì mọi dự toán kinh phí đều được dân bàn bạc thống nhất đóng
góp kinh phí và để triển khai làm đường. Cứ như thế, ban cán sự xóm không thu một
khoản tiền nào liên quan đến làm đường mà người dân có sự bàn bạc, thống nhất,
tự quyết định việc làm đường của tông ngõ mình nên người dân thấy công khai,
minh bạch và ủng hộ cách làm này. Có những hộ đóng góp nhiều nhất lên gần 8 triệu
đồng nhưng họ vẫn vui vẻ, phấn khởi nạp tiền. Khi mọi thứ đã ổn, ông Thăng đã
phát động đợt cao điểm toàn dân ra quân làm đường giao thông và chỉ trong một đợt
đã bê tông hóa gần hết các tuyến đường giao thông nội thôn, với kinh phí trên
1,5 tỷ đồng do nhân dân đóng góp.
Trong
câu chuyện kể, ông Thăng nhớ lại, giữa lúc phong trào xây dựng NTN đang lên, điều
tôi băn khoăn nhất là còn một tuyến đường ra khu sản xuất dài 150m, rộng 5m, cần
nguồn kinh phí lớn mà đoạn đường này chỉ có 7 hộ nên rất khó vận động các hộ
dân đóng góp kinh phí. Lúc này, ông cùng với Trưởng ban công tác Mặt trận thôn
vào từng nhà dọc trục đường liên xã đã được Nhà nước nhựa hóa chưa phải đóng
góp làm đường, ông vận động họ ủng hộ tiền để hoàn tất đoạn đường trên. Cuối
cùng từ sự chung sức của mọi người trong thôn tuyến đường đó đã sớm hoàn thành.
Một
điểm nhấn mà mỗi khi nhắc đến sự “bứt phá” của thôn 8, đó là một trong những
thôn toàn tòng giáo dân đầu tiên của huyện Quỳnh Lưu nhân dân đóng góp kinh phí
xây dựng Nhà văn hóa thôn khang trang.
Để
bà con đồng thuận đóng góp kinh phí xây dựng Nhà văn hóa thôn không phải là điều
dễ dàng, biết khó khăn lắm nhưng mình “lỡ hứa” với xã rồi – ông Thăng chia sẻ -
và cũng vì để đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới và nhu cầu sinh hoạt văn
hoá cộng đồng của người dân. Với vai trò, trách nhiệm của mình, ông cùng với
Ban công tác Mặt trận thôn tổ chức 2 cuộc hội nghị toàn dân trong thôn để bàn bạc,
thảo luận, lấy ý kiến số đông, tạo sự đồng thuận của người dân trước khi tiến
hành tổ chức thực hiện. Với tinh thần nhiệt huyết, hết lòng vì công việc, ông lại
đi đến từng hộ gia đình đang còn tư tưởng băn khoăn chưa thông để trao đổi, họp
các Tổ liên gia để vận động. Với cách vận động “mềm mỏng” đến tận nơi, hiểu từng
người và sự gương mẫu trong mọi việc của người Trưởng thôn nên bà con trong
thôn đã đồng thuận thực hiện. Cuối năm 2017, nhà văn hóa thôn được khởi công, với
tổng diện tích khuôn viên 1.500m 2 . Sau gần 5 tháng thi công, nhà
văn hóa đã hoàn thành với đầy đủ các hạng mục và các công trình phụ trợ khác. Tổng
kinh phí xây dựng nhà văn hoá trên 630 triệu đồng (trong đó, huyện hỗ trợ 150
triệu đồng; xã hỗ trợ 100 triệu đồng, còn lại là nhân dân đóng góp ủng hộ).
Ngoài ra, thôn 8 cũng là một trong 5 thôn toàn tòng giáo dân đầu tiên của huyện
Quỳnh Lưu hưởng ứng phong trào xây dựng tuyến đường cờ “Đại đoàn kết” do Ủy ban
MTTQ huyện phát động với chiều dài trên 600m để treo cờ Tổ quốc trong các dịp lễ,
tết.
Nhờ
vậy, thôn 8 (xã Quỳnh Yên) đã thực sự chuyển mình, bộ mặt nông thôn đổi thay
nhanh chóng, đó là 100% đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa khang trang, rộng
rãi; tất cả các tuyến đường trong thôn đều được lắp đặt hệ thống đèn điện cao
áp chiếu sáng; kênh mương nội đồng được mở rộng, bê tông hoá; 100% hộ dân sử dụng
nước sạch; môi trường sống nông thôn trong lành, xanh - sạch - đẹp. An ninh
chính trị, trật tự an toàn xã hội được ổn định và giữ vững, các phong trào văn
hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của thôn phát triển một cách mạnh mẽ; góp phần
để xã Quỳnh Yên về đích Nông thôn mới vào cuối năm 2018. Trò chuyện với người
dân nơi đây mới thấy sự đoàn kết, đồng lòng của người dân mà không phải làng
quê nào cũng có được.
Với
những nổ lực cố gắng không biết mệt mỏi của mình vì phong trào chung, ông Phan
Văn Thăng đã vinh dự nhận được nhiều giấy khen của huyện Quỳnh Lưu. Đặc biệt, năm
2019 ông được UBND tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong xây
dựng NTM.
Kỳ 3: Người góp sức
xây dựng xứ đạo bình yên
Giáo
xứ Phú Xuân (xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu) có 517 hộ và 2.398 nhân khẩu (chiếm
tỷ lệ gần 30% số hộ của toàn xã), nằm trên địa bàn xóm 3B và xóm 4, có đường Quốc
lộ 48A chảy qua. Giáo xứ gồm có 4 giáo họ, trong đó 3 giáo họ thuộc sự quản lý
hành chính của xã Quỳnh Tam. Nơi đây, từng là “điểm nóng” về an ninh, trật tự
và tệ nạn xã hội, nhưng từ khi xây dựng mô hình “Giáo xứ bình yên” thì tình
hình phức tạp giảm rõ rệt, góp phần xây dựng vùng đồng bào Công giáo an toàn về
an ninh, trật tự, đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Thành công đó có sự đóng góp không
biết mệt mỏi của “người vác tù và hàng tổng” – Xóm trưởng Trần Văn Thể.
Ông Trần Văn Thể (mặc sáo trắng) đang cùng với công an xã hướng dẫn cho bà con làm căn cước công dân.
Ông
Trần Văn Thể sinh năm 1962, từng là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Quỳnh Tam (11
năm), 7 năm làm Xóm trưởng xóm 4, là xóm giáo toàn tòng thuộc hai Giáo họ Quang
Tịnh và Phú Quang (Giáo xứ Phú Xuân) với 376 hộ và 1.878 nhân khẩu. Ấn tượng đầu
tiên khi gặp gỡ “người vác tù và” này là sự cởi mở, chân tình và đầy nhiệt huyết.
Trò chuyện với chúng
tôi, ông kể, từ những năm 2019 trở về trước, xã Quỳnh Tam được biết đến là điểm
nóng về an ninh, trật tự của huyện Quỳnh Lưu, tình hình tội phạm trên địa bàn
có nhiều diễn biến phức tạp, trộm cắp tài sản, lô đề, cờ bạc, đặc biệt là tệ nạn
sử dụng ma túy diễn ra thường xuyên. Trong đó một số con em Giáo xứ Phú Xuân bị
một số đối tượng xấu đã lôi kéo, rủ rê trộm cắp vặt cũng như mắc các tệ nạn xã
hội. Thêm nữa, tình trạng nhiều con em trên địa bàn làm nghề lái xe đường dài,
sau mỗi chuyến xe thường tụ tập bạn bè uống rượu và dẫn tới những vụ xô xát.
Nhận
thấy tình hình đó, chính quyền xã đã phối hợp với linh mục quản xứ, Hội đồng mục
vụ giáo xứ và các giáo họ tổ chức nhiều cuộc họp, bàn giải pháp. Xác định để đẩy
lùi được các tệ nạn xã hội và phòng, chống tội phạm trên địa bàn thì phải từng
bước khắc phục được các nguyên nhân. Do vậy, năm 2019, mô hình “Giáo xứ bình
yên” ra đời đã thu hút sự tham gia của đông đảo bà con giáo dân của Giáo xứ Phú
Xuân.
Để
triển khai xây dựng mô hình “Giáo xứ bình yên”, dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn
của MTTQ và Công an huyện, Đảng ủy, chính quyền xã đã giao cho MTTQ xã phối hợp
ban Công an xã cùng với Hội đồng mục vụ giáo xứ xây dựng kế hoạch, trong đó quy
định rõ các tiêu chí đảm bảo đạt chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”. Đồng thời,
chỉ đạo 2 xóm (xóm 3B và xóm 4) xây dựng 23 Tổ liên gia tự quản và tổ chức ký
cam kết “Tổ liên gia tự quản an toàn về an ninh trật tự”; phối hợp với linh mục,
Hội đồng mục vụ giáo xứ, giáo họ tuyên truyền và vận động người dân chấp hành
nghiêm chính sách, pháp luật của Nhà nước và tổ chức cho các hộ dân ký cam kết
thực hiện các tiêu chí “An toàn về an ninh, trật tự” của mô hình.
Lúc
triển khai xây dựng mô hình “Giáo xứ bình yên”, ông Trần Văn Thể đang làm
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã kiêm Xóm trưởng xóm 4 và sau đó làm Phó Chủ tịch Hội
đồng mục vụ giáo xứ, đây là khoảng thời gian ông gắn bó với dân, hiểu dân và
cũng hết lòng tận tụy với công việc cộng đồng giáo xứ, giáo họ và vì người
dân. Dù với những đồng phụ cấp ít ỏi, nhưng với ông Thể, chỉ cần được làm
việc, gần gũi chia sẻ với bà con trong thôn và cùng nhau đẩy lùi tệ nạn xã hội,
xây dựng xứ đạo bình yên đã là niềm vui, niềm hạnh phúc. Ông tâm niệm: Đoàn kết
là sức mạnh, chỉ có đoàn kết mới đẩy lùi các tệ nạn xã hội và giúp đời sống bà
con phát triển, đi lên. Để từng bước xây dựng và duy trì cộng đồng dân cư đoàn
kết, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, tuân thủ tốt các chủ trương, chính sách của
Đảng và Nhà nước, ông Thể luôn "miệng nói, tay làm”, làm việc gì cũng hết
tâm sức của mình và ông giáo dục anh em, con cháu trong nhà phải gương mẫu
trong mọi việc, nhờ vậy, mà ông đã chiếm trọn sự tin tưởng, quý trọng của bà
con trong xóm.
“Để
bà con trong xóm đồng thuận và hưởng ứng tham gia xây dựng mô hình “Giáo xứ
bình yên”, lúc đó tôi cùng với các vị trong Ban công tác Mặt trận thôn "đi
từng ngõ, gõ từng nhà” chuyện trò, chia sẻ, vận động người dân, phân tích để bà
con hiểu lợi ích của xây dựng mô hình “Giáo xứ bình yên”; đồng thời, tuyên
truyền bà con giáo dân trong xóm thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước, luôn sống và làm việc với tinh thần “Tốt đời,
đẹp đạo”, ông Thể cho biết.
Nói
đến câu chuyện xây dựng mô hình, ông Lê Đình Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Quỳnh
Tam cho biết, quá trình thực hiện mô hình “Giáo xứ bình yên” đã tạo được sự đồng
thuận của đông đảo bà con giáo dân, đặc biệt là Linh mục Quản xứ Phú Xuân. MTTQ
và Ban Công an xã phối hợp với cùng với Xóm trưởng, Trưởng ban công tác Mặt trận
của 2 xóm thường xuyên gặp gỡ linh mục quản xứ, Hội đồng mục vụ giáo xứ, giáo họ
để trao đổi về tình hình an ninh, trật tự và tổ chức các hoạt động giao lưu văn
nghệ, bóng đá, bóng chuyền… tạo nên mối quan hệ đoàn kết, cùng phối hợp thực hiện
các nhiệm vụ của địa phương. Khi con em trong giáo xứ có dấu hiệu vi phạm pháp
luật thì sẽ phối hợp để có biện pháp răn đe, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả. Nhờ
vậy, từ năm 2019 đến nay, tình hình an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn có nhiều
chuyển biến tích cực, an ninh trật tự đảm bảo, tệ nạn xã hội cơ bản được đẩy
lùi, bà con Giáo xứ Phú Xuân nói chung, xóm 4 nói riêng đã nhận thức sâu sắc về
ý nghĩa và hiệu quả của việc xây dựng mô hình “Giáo xứ bình yên” gắn với phong
trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", mang lại đời sống bình yên
cho người dân.
Từ
mô hình “Giáo xứ bình yên”, cùng với việc thành lập 23 Tổ liên gia tự quản đã tập
hợp, huy động được giáo dân tham gia công tác đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng
giáo xứ không có tệ nạn xã hội, thực hiện nếp sống văn minh. Mỗi người dân trở
thành “tai, mắt” tố giác tội phạm, ngăn chặn các tệ nạn xã hội, làm trong sạch
địa bàn. Trong vòng 3 năm gần đây, bà con giáo dân đã cung cấp cho lực lượng chức
năng 20 nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng chức năng phối hợp bắt 3 vụ 3 đối
tượng liên quan đến mua bán và tàng trữ trái phép chất ma túy; 01 vụ tàng trữ
hàng cấm (pháo nổ); 2 vụ trộm cắp tài sản; 01 vụ 5 đối tượng liên quan đến đánh
bạc… ngoài ra còn giúp lực lượng công an xử lý kịp thời nhiều vụ việc mẫu thuẫn
trong lứa tuổi thanh niên.
Khi
chúng tôi hỏi về những khó khăn lúc bắt tay vào thực hiện xây dựng mô hình, ông
bồi hồi chia sẻ: “Thời điểm mô hình mới ra đời, mà đây là mô hình đầu tiên của
huyện Quỳnh Lưu triển khai xây dựng ở vùng bà con Công giáo, kinh nghiệm để học
hỏi chưa có, anh em cán bộ xóm cũng như chính quyền địa phương rất lo lắng vì sợ
kết quả đạt được không như người dân kỳ vọng. Tuy nhiên, với mục đích chính là
xây dựng môi trường sống tốt nhất, an toàn nhất để bà con yên tâm sản xuất, đó
cũng chính là nguyện vọng của người dân mong muốn nên được bà con giáo dân hưởng
ứng ủng hộ. Hiểu được điều đó, tôi và anh em cán bộ 2 xóm nhiều lần trao đổi,
tham mưu cho chính quyền, Mặt trận và công an xã nhiều giải pháp, cách làm thiết
thực và mang lại hiểu quả cao; đó là phải coi trọng việc xây dựng mối đoàn kết
gắn bó giữa các hộ gia đình trong cộng đồng dân cư, giữa linh mục và Hội đồng mục
vụ với chính quyền; đề cao và phát huy tốt vai trò của những người uy tín tiêu
biểu trong bà con giáo dân vì họ là những người trực tiếp với dân, tiếng nói của
họ được dân nghe theo. Khi đó, dù có việc gì khó thì cũng dễ dàng giải quyết”.
Nhờ
hiệu quả của mô hình “Giáo xứ bình yên” mà xã Quỳnh Tam đã đảm bảo an ninh, trật
tự trên địa bàn, cũng như tạo được sự gắn kết mật thiết giữa linh mục, Hội đồng
mục vụ giáo xứ và chính quyền địa phương, góp phần quan trọng để xã Quỳnh Tam về
đích nông thôn mới năm 2018 và dự kiến đạt nông thôn mới nâng cao năm 2025. Có
được kết quả đó, là có sự đóng góp công sức của bà con giáo dân giáo xứ Phú
Xuân nói chung và những người làm cán bộ xóm như ông Thể.
Trên
đường dẫn chúng tôi đi thăm nhà thờ giáo xứ, ông chỉ cho chúng tôi những con đường
nội thôn đã được đổ bê tông bằng phẳng, rộng rãi, có những tuyến đường đã được
mở rộng 8m, ông vui vẻ kể lại những tháng ngày cùng chính quyền tuyên truyền, vận
động người dân chung tay góp sức, góp công, góp của cải, tiền bạc để xóa bỏ các
tuyến đường đất lầy lội, chật hẹp, mở ra một diện mạo mới khởi sắc cho vùng quê
nơi đây. Ông chia sẻ, mới đầu, tôi cũng gặp nhiều khó khăn, vì bà con nơi đây
chủ yếu sản xuất nông nghiệp trong khi đất đai cằn cỗi nên thu nhập rất thấp,
trong khi nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất hạn chế, người dân còn trông chờ
nhiều vào Nhà nước chứ chưa thực sự vào cuộc. Ông Thể tiếp chuyện: “Khi đó với
tư cách là xóm trưởng, mình nghĩ “Nói phải đi đôi với làm”, mà muốn bà con làm
theo thì gia đình mình và những người thân của mình phải làm trước; nên tôi đã
bàn bạc với Chi bộ, Ban công tác Mặt trận lấy cán bộ làm gương, cán bộ nói là
làm, cán bộ đi đầu, dẫn hướng để “làng nước theo sau” và xác định “Dễ làm trước,
khó làm sau; việc cần ít tiền làm trước và việc cần nhiều tiền làm
sau”... Để khích lệ tinh thần của bà con, các gia đình cán bộ trong xóm
đã tình nguyện hiến đất, tường bao và ủng hộ kinh phí trước. Ngoài ra, cán bộ
xóm cũng chính là những người xông xáo trong mọi việc từ vận động, hướng dẫn Tổ
liên gia đóng góp ngày công, của cải vật chất để mở đường, đến việc hạch toán,
minh bạch các khoản thu – chi. Khi tuyến đường đầu tiên được hình thành, bà con
thấy rõ được lợi ích khi được đi trên những con đường sạch sẽ, bằng phẳng nên
nhiều người hồ hởi đóng góp kinh phí, ủng hộ hiến đất, các loại cây cối có giá
trị để nâng cấp, mở rộng đường giao thông, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn tạo
cảnh quan khang trang, sạch đẹp. Trong 5 năm qua, bà con thôn 4 đã hiến 120m2 đất
ở, đóng góp 565 triệu đồng, trên 1.200 ngày công, làm được trên 1,4km đường bê
tông; cải tạo nâng cấp nhà văn hóa xóm và làm sân thể thao với kinh phí hơn 420
triệu đồng. Đồng thời, hưởng ứng phong trào “Đường thông, hè thoáng, xóm làng
văn minh” và “Đường cờ, đường điện đại đoàn kết” của Ủy ban MTTQ huyện Quỳnh
Lưu, bà con xóm 4 nói riêng và bà con giáo xứ Phú Xuân nói chung đã đóng góp
hơn 537 triệu đồng để làm 438 cột cờ gắn với hệ thống đường điện chiếu sáng dài
5.250m, ngoài ra còn trồng các tuyến đường hoa, cây xanh. Định kỳ hàng tuần,
hàng tháng Ban công tác Mặt trận xóm phối hợp với Hội đồng mục vụ giáo họ tổ chức
các hoạt động “ Ngày thứ 7 vì nông thôn mới”, Ngày “chủ nhật xanh”.
Đặc
biệt, Linh mục quản xứ đã đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền, MTTQ tuyên truyền,
động viên giáo dân đóng góp tiền của, công sức xây nhà Đại đoàn kết cho hộ
nghèo, hộ có khó khăn về nhà ở. Trong 2 năm qua đã xây dựng được 4 nhà, trong
đó nguồn từ giáo xứ ủng hộ trên 100 triệu đồng. Hưởng ứng Thư kêu gọi của MTTQ
các cấp, Ban công tác Mặt trận đã phối hợp Hội đồng mục vụ giáo xứ phát động
tham gia ủng hộ xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”, Tết vì người nghèo, “ủng hộ đồng
bào miền Trung bị lũ lụt”, ủng hộ “phòng chống dịch bệnh Covid-19” với tổng số
tiền trên 120 triệu đồng.
Cùng
nhau tâm sự, sẻ chia qua chén nước chè xanh và những câu chuyện với ông đã dần
giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về con người, về những gì mà ông đã, đang và sẽ làm.
Với hơn 20 năm gắn bó với người dân qua việc làng, việc xóm, ông Thể luôn thấm
nhuần đạo lý của đạo và đời, ông lấy đoàn kết làm mục tiêu, động lực để làm việc,
lấy sự bình yên và niềm vui, hạnh phúc của người dân làm niềm vui, hạnh phúc của
mình. Như ông Trần Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng mục vụ giáo xứ Phú Xuân nói về
ông: “Ông Thể dù ở trọng trách nào cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ, đặc biệt ông
là hạt nhân đoàn kết, phối hợp tốt với linh mục, Hội đồng mục vụ giáo xứ, giáo
họ để đưa thôn 4 nói riêng, giáo xứ nói chung ngày càng giàu mạnh, văn minh và
người dân hôm nay có cuộc sống bình yên”.
Có
thể thấy, ở mỗi xứ đạo trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu, các Trưởng thôn, Trưởng
ban công tác Mặt trận đều có những cách làm sáng tạo riêng để đưa các chỉ thị,
nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với bà con giáo
dân. Từ đó cùng nhau lan tỏa, nhân lên những mô hình hay, hiệu quả, góp phần
xây dựng quê hương Quỳnh Lưu văn minh, giàu đẹp – Họ chính là những “Hạt nhân
đoàn kết ở vùng giáo”.
Trần
Minh Chính
(Phó
Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Quỳnh Lưu)