image banner
Khi cán bộ, công chức, viên chức “Gen Z” là “chiến sĩ tuyến đầu” trên mặt trận tư tưởng - văn hóa

Trong thời điểm tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp cả về chính trị, quân sự cùng với công cuộc phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong nước diễn ra một cách mạnh mẽ; thực tiễn đòi hỏi lực lượng cán bộ, công chức, viên chức “Gen Z” phải phát huy vai trò tiên phong, tận dụng lợi thế sức trẻ cả về tâm - trí - lực, góp phần quan trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói riêng và mặt trận tư tưởng - văn hóa nói chung.

Thế hệ chủ nhân tương lai đầy đặc biệt

Gen Z, theo định nghĩa của điển Từ điển Oxford là "nhóm những người sinh từ cuối những năm 1990 đến đầu những năm 2010, những người được coi là rất quen thuộc với Internet".[1] Ở Việt Nam, đây được gọi là lớp người trẻ, thế hệ trẻ của xã hội, là những chủ nhân trong tương lai của đất nước.

Gen Z chính là thế hệ được sinh ra và lớn lên khi đất nước được xem là đã vượt qua thời kỳ “ngàn cân treo sợi tóc”, bước vào giai đoạn đổi mới mạnh mẽ. Đây cũng là lớp người gắn liền với sự phát triển của internet, mạng xã hội, các thành quả công nghệ tiên tiến của thời đại. Cuộc sống gen Z gắn liền với các vấn đề phi truyền thống, tự do, dân chủ, thế giới phẳng, kinh tế thị trường. Họ có nhiều phương tiện để tiếp nhận thông tin, học hỏi các nền văn hóa với tần suất nhanh và nhiều hơn; song điều đó cũng dẫn tới thời gian và tâm huyết dành cho việc tư duy và chọn lọc trở nên ít đi.

Với lớp người trẻ hiện nay, xu hướng và quan điểm về cuộc sống, công việc của họ có nhiều sự thay đổi hơn so với những thế hệ “gen X” hay “gen Y”. Gen Z sinh ra trong nền kinh tế thị trường, sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn khiến họ sớm có động lực về kinh tế. Gen Z được cho thực dụng và thực tế hơn, tham gia kiếm tiền sớm hơn. Hình tượng về một con người thành đạt và giỏi giang trong mắt họ thường là hình ảnh của sự giàu sang.

Anh-tin-bai

Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2022-2027. Ảnh: Báo Nghệ An.

Với lớp cán bộ, công chức, viên chức “gen Z”, những người thường được gọi là “người nhà nước”, họ vừa phải đối mặt với áp lực đồng trang lứa, áp lực “vượt sướng” để khẳng định mình, tự do tìm kiếm giá trị của bản thân; vừa phải đưa mình vào một khuôn mẫu chuẩn chỉnh và có trách nhiệm với xã hội, với đất nước, với chế độ, với nhân dân. Họ vừa phải cân bằng giữa tư duy đa chiều, đề cao tính phản biện và sáng tạo với lối tư duy, làm việc dựa theo lý luận, tư tưởng sẵn có.

Đây là thế hệ chủ nhân tương lai chủ chốt, lớp “người nhà nước” trẻ sẽ sớm trở thành những nhà lãnh đạo, nhà quản lý đất nước. Phát huy vai trò của cán bộ, công chức, viên chức gen Z nhất là trên mặt trận tư tưởng - văn hóa là mục tiêu quan trọng, nhất là khi họ có lợi thế trong việc tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn, nhiều chiều và sự nhạy bén với những biến động của đất nước, khu vực và trên thế giới. Đây không phải là trách nhiệm của riêng ai, nhất là với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trẻ.

Diễn biến hòa bình, cách mạng màu và cuộc chiến không tiếng súng trên mặt trận tư tưởng - văn hóa

Thời gian gần đây, thuật ngữ “cách mạng màu” được nhắc đến phổ biến trên các kênh thông tin truyền thông có nhiều người trẻ sử dụng như TikTok, Facebook, Instagram… Lợi dụng tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp như Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, nội chiến tại Myanmar và cuộc khủng hoảng chính trị tại Bangladesh… cùng với tình hình chống tham nhũng tiêu cực lãng phí trong nước diễn ra mạnh mẽ và quyết liệt, các thế lực thù địch đã lợi dụng để xuyên tạc, đưa tin chống phá, sai sự thật, phủ nhận thành quả cách mạng và chế độ. Không ít trong số đó là những người có tầm ảnh hưởng trong xã hội, đã có sẵn một vỏ bọc để cho người khác tin tưởng rồi khéo léo lồng ghép các nội dung phản cách mạng vào các bài viết, video được đăng công khai và thu hút nhiều lượt tiếp cận.

Anh-tin-bai

Người biểu tình xông vào Phủ Thủ tướng ở thủ đô Dhaka, Bangladesh. Ảnh: AFP.

“Cách mạng màu” hay “diễn biến hòa bình” đều mang bản chất bạo lực chính trị có tổ chức, phi vũ trang ở quốc gia có chủ quyền nhằm lật đổ nhà nước đương nhiệm, gây ra khủng hoảng chính trị, đồng thời lập ra bộ máy cầm quyền mới của lực lượng đối lập được Mỹ và phương Tây hậu thuẫn. Đó là chiến lược toàn cầu của Mỹ sử dụng những phương thức, thủ đoạn; điển hình là sự phản đối quy mô lớn bằng biện pháp phi bạo lực nhằm mục đích thay đổi chế độ đang tồn tại để thiết lập một chính phủ thân Mỹ và phương Tây kể từ thời kỳ hậu chiến tranh lạnh đến nay. Thế lực bên ngoài đóng vai trò “đạo diễn”, lực lượng trong nước giữ vai trò “thực thi”. Đây là một hiện tượng chính trị diễn ra thông qua nghị trường, đấu tranh chính trị (mít tinh, biểu tình, tuần hành), dựa trên cơ sở nhân danh tự do, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo.[2]

Ở nước ta, các thế lực thù địch tiến hành “diễn biến hòa bình” với trọng tâm là tấn công vào mặt trận tư tưởng - văn hoá, gây hỗn loạn về lý luận và nhận thức bên trong, bóp méo bản chất lịch sử và thổi phồng những hạn chế, tồn tại của chế độ từ đó dẫn đến sự phủ nhận về lý tưởng và đường lối. Chúng thường núp dưới vỏ bọc của các tổ chức phi chính phủ, nhân quyền, từ thiện, tài trợ vì con người nhằm công kích trực tiếp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bôi nhọ các vị lãnh đạo cấp cao; đánh tráo khái niệm, xuyên tạc thành quả cách mạng Nhân dân…

“Diễn biến hòa bình”, “cách mạng màu” ngày càng trở nên khó lường hơn trong thời kỳ thế giới phẳng, bùng nổ về công nghệ thông tin và các phương tiện truyền thông. Việc làm “cách mạng màu” cũng trở nên tinh vi và trắng trợn với diễn biến vô cùng phức tạp; đối tượng trực tiếp hoạt động hiện nay chủ yếu là những cá nhân có sức ảnh hưởng với cộng đồng, họ cũng không trực tiếp xuất hiện mà chỉ ngồi sau màn hình điện thoại, được xem là người có kiến thức chia sẻ về các vấn đề xã hội, các cuộc phỏng vấn, postcard để rồi khéo léo từ câu chuyện của họ lồng ghép nội dung mang tính chất phản cách mạng.

Để thực hiện thành công, chúng đã lợi dụng vào sự hiếu kì, nhẹ dạ cả tin và tính lan truyền trong quần chúng nhân dân. Mục tiêu cuối cùng là làm cho người theo dõi “mưa dầm thấm lâu” thông qua việc đọc, nghe hàng ngày; làm cho họ cảm thấy sự mâu thuẫn và bất bình đẳng trong xã hội, cảm thấy nghi ngờ thực tiễn bởi chính những luận điệu “nghe thì có vẻ rất hợp lý” mà chúng cố tình tạo ra để thao túng. Quá trình này diễn ra một cách âm ỉ, kéo dài, ru ngủ, kéo dài, lâu dần tạo ra sự chuyển biến về lý tưởng và nhận thức trong một bộ phận người dân. 

Cán bộ, công chức, viên chức gen Z trên mặt trận tư tưởng - văn hóa

Chống “diễn biến hòa bình”, đấu tranh với “cách mạng màu” là cuộc chiến phức tạp, lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc, tham gia tích cực của tất cả các thành phần trong xã hội. Mặt trận tư tưởng - văn hóa không bị giới hạn bởi không gian, thời gian và khả năng tiếp cận, nếu không có sự phòng ngừa hay góp sức của đông đảo tầng lớp thì rất khó để nắm bắt và theo kịp diễn biến. Lực lượng cán bộ, công chức, viên chức gen Z được xem là tuyến đầu tiên trong việc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng - văn hóa, bởi họ có sự nhạy bén với thời cuộc và sự am hiểu đối với công nghệ và các phương thức tiếp cận phi truyền thống; đồng thời chính thế hệ gen Z cũng được các đối tượng thù địch xem là trọng tâm để làm cách mạng màu, bạo loạn không tiếng súng.

Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII lần đầu tiên đưa vào quan điểm chiến lược nhấn mạnh phương châm dựa vào dân, “dân là gốc”, là trung tâm, chủ thể; đặc biệt, đề cao tinh thần yêu nước, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường của con người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ. Tư duy đặt thế hệ trẻ vào vị trí trung tâm, chủ thể của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc thể hiện sự nhìn nhận, đánh giá cao vai trò “tuổi trẻ giữ nước”, vừa là yêu cầu, đòi hỏi cao, giao trọng trách lớn lao, vừa là mong muốn, khát khao, là niềm tin của Đảng, của nhân dân đối với thế hệ trẻ - chủ tương lai của đất nước.[3]

Anh-tin-bai

Phát huy vai trò của cán bộ, công chức, viên chức gen Z. Ảnh: thanhnienviet.vn

Mỗi cán bộ, công chức, viên chức gen Z phải là một chiến sĩ bảo vệ tư tưởng - văn hóa; phải khẳng định rằng gen Z không có bản chất “thờ ơ” hay xem nhẹ lịch sử. Tất cả những đặc điểm bộc lộ ở gen Z đều là kết quả của sự đi lên xã hội tác động vào cuộc sống của họ; những điều họ đã và đang trải qua chưa từng xuất hiện ở các thế hệ trước.

Cán bộ, công chức, viên chức gen Z là thế hệ được đào tạo bài bản, vừa hồng vừa chuyên; có các điều kiện thuận lợi khi được thụ hưởng và tiếp cận với tri thức mới, hội nhập văn hóa toàn cầu. Họ là thế hệ chưa từng trải qua sự đau thương của chiến tranh, sự khó khăn sau ngày giải phóng, sự biến động xã hội khi hệ thống XHCN ở Liên Xô sụp đổ. Vì thế, gen Z là đối tượng dễ bị tấn công bởi các luận điệu xuyên tạc, lật sử và âm mưu phản cách mạng; điều này đòi hỏi lớp cán bộ, công chức, viên chức gen Z  phải là lực lượng tuyến đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng - văn hóa, sớm nhận diện các âm mưu thủ đoạn để không bị bị động, bất ngờ cho quá trình làm chủ đất nước về sau.

Cán bộ, công chức, viên chức gen Z là những chiến sĩ tiên phong trong thế hệ của mình, là chìa khóa giải quyết bài toán thực trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị” trong một bộ phận thanh niên hiện nay. Họ có sự trải nghiệm và đồng điệu trong tâm lý, suy nghĩ đối với thế hệ trẻ, là những người có khả năng đưa lý luận thâm nhập và thực tiễn quần chúng, vừa “xây” nền móng về nhận thức trong tư tưởng, đồng thời “chống” sự thâm nhập của các quan điểm xuyên tạc, phản động, lôi kéo của các thế lực thù địch đối với tầng lớp thanh niên, tri thức trẻ.

Cán bộ gen Z tích cực trong công tác đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng - văn hóa chính là minh chứng rõ nhất, hiệu quả nhất, thực tế nhất khẳng định sự thành công trong công cuộc chống lại chiến lược “diễn biến hòa bình”, “cách mạng màu” mà các thế lực thù địch đang nhắm vào chính thế hệ trẻ. Bảo vệ nền tảng tư tưởng - văn hóa, coi đây là mặt trận chiến lược có yếu tố quyết định như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11 năm 2021 “Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”. Mỗi cá nhân, nhất là cán bộ, công chức, viên chức gen Z phải là một chiến sĩ tuyến đầu trong cuộc chiến không giới tuyến này, một mặt trận tuy không có tiếng bom đạn nhưng chứa đầy khốc liệt và cam go./.

Minh Đức



[2] TS. Lê Trung Kiên, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt nam, Bản chất cách mạng màu và những nguy cơ tiềm ẩn đối với Việt Nam hiện nay https://dangcongsan.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/ban-chat-cach-mang-mau-va-nhung-nguy-co-tiem-an-doi-voi-viet-nam-hien-nay-605616.html

[3] Đại tá Lê Văn Hưởng, Viện Chiến lược quốc phòng, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, Tư duy mới của Đảng trong Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới http://m.tapchiqptd.vn/vi/quan-triet-thuc-hien-nghi-quyet/tu-duy-moi-cua-dang-trong-nghi-quyet-trung-uong-8-khoa-xiii-ve-chien-luoc-bao-ve-to-quoc-t-21984.html

VĂN BẢN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement