image banner
Quỳnh Lưu: Chú trọng công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

 Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu luôn được chú trọng thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực. Thông qua công tác đào tạo và gắn với giải quyết việc làm đã tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận với các cơ hội việc làm, từ đó tạo đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Đam mê khối ngành kỹ thuật, nhất là công nghệ ô tô nên sau khi tốt nghiệp cấp 2, em Nguyễn Minh Quân ở phường Mai Hùng, thị xã Hoàng Mai đã chọn theo học nghề công nghệ ô tô tại trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An với mong muốn sớm có tay nghề và sớm được đi làm để phụ giúp gia đình. Được học gần nhà, lại đúng nghề yêu thích; cùng với sự quan tâm, định hướng của gia đình, thầy cô và nhà trường nên Quân rất tự tin học tập và luôn đạt được thành tích tốt.

Em Nguyễn Minh Quân, học sinh lớp K15 – 1, công nghệ ô tô, trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An cho biết: “Nhà trường và các thầy cô luôn định hướng nghề nghiệp cho chúng em, nên em rất yên tâm khi học tập tại đây. Ngoài những giờ học, chúng em còn được tham quan trải nghiệm tại các doanh nghiệp, để sau này khi ra trường có thể nâng cao tay nghề, tự tin làm việc.”

Anh-tin-bai

Anh-tin-bai

Giờ học thực hành nghề công nghệ ô tô và điện công nghiệp của thầy trò trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An. 

Những năm qua, công tác đào tạo nghề của trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An luôn gắn liền với mục tiêu giải quyết việc làm cho người lao động. Việc học và thực hành luôn được nhà trường gắn kết chặt chẽ, những kiến thức mà người học được trang bị ứng dụng vào thực tiễn công việc, góp phần giải quyết việc làm và khắc phục tình trạng thiếu lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn cũng như các công ty, doanh nghiệp trên cả nước. Hàng năm, nhà trường đào tạo trên 1.200 học sinh, bao gồm các nghề ở trình độ Trung cấp và Sơ cấp. Việc nâng cao chất lượng hiệu quả đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống cho người lao động là một trong những mục tiêu quan trọng mà trường hướng đến và tập trung thực hiện. Qua đó đào tạo ra được nguồn lao động kỹ thuật có tay nghề, đáp ứng kịp thời sự phát triển của công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Thầy Hồ Hữu Trình, Phó Hiệu trưởng trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An chia sẻ: “Để phát huy những lợi thế đã có, trong những năm tới trường tập trung phát triển đội ngũ giáo viên, tăng cường khuyến khích đội ngũ giáo viên đi học nâng cao trình độ nhất là kiến thức mới, kỹ thuật mới. Cùng với đó, tiếp tục xây dựng, chỉnh sửa chương trình hằng năm để đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển của doanh nghiệp, kết hợp với doanh nghiệp đào tạo theo đơn đặt hàng, để học sinh ra trường có việc làm ngay và doanh nghiệp không cần đào tạo lại. Nhà trường cũng mong muốn cơ quan chức năng hỗ trợ, đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc để nhà trường đào tạo ra những thế hệ học sinh có chất lượng cao hơn, đồng thời đáp ứng yêu cầu và sự phát triển của doanh nghiệp trong tình hình mới.”

Anh-tin-bai

Thông qua công tác đào tạo và gắn với giải quyết việc làm đã tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận với các cơ hội việc làm, từ đó tạo đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. 

Xác định công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm tại nông thôn là rất quan trọng, trong những năm qua các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu đã chú trọng xây dựng, đưa nhiệm vụ thực hiện vào chương trình công tác, kế hoạch hoạt động hàng năm; thực hiện các giải pháp đột phá trong đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển. Qua đó, giúp người lao động tìm được việc làm ổn định, giảm tỷ lệ hộ nghèo, từng bước nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động; tập trung triển khai đồng bộ chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; khuyến khích các mô hình, dự án tạo việc làm tại chỗ; thực hiện hiệu quả chính sách cho người lao động vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm…

Ông Hoàng Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Để đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và xuất khẩu lao động đem lại công ăn việc làm cho nhân dân địa phương ngoài công tác tuyên truyền Đảng ủy, ủy ban xã đã giao cho các ban ngành đoàn thể tiếp tục vận động con em hội viên đăng ký học nghề, đào tạo nghề để xuất khẩu lao động hoặc làm việc trực tiếp tại địa phương. Thứ hai, phối hợp với các trung tâm dạy nghề, các trường nghề mở các lớp chế biến thủy hải sản, nghề phù hợp với lứa tuổi, nhu cầu. Thứ ba, phối hợp với các trung tâm xuất khẩu lao động có uy tín để đào tạo và đưa người đi xuất khẩu lao động theo đúng quy định.”

Anh-tin-bai

Nghề mây tre đan xuất khẩu đã tạo công ăn việc làm, ổn định đời sống cho nhiều người lao động tại xã Quỳnh Diễn. 

Trong 10 năm (2014-2024), huyện Quỳnh Lưu đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 41.000 lượt người, số học viên có việc làm sau đào tạo đạt trên 92%; thu nhập bình quân 6.5 triệu đồng/tháng. Chất lượng, hiệu quả của công tác đào tạo nhân lực có tay nghề được quan tâm lãnh đạo chỉ đạo thực hiện, tạo chuyển biến rõ nét hơn. Hoạt động liên kết với doanh nghiệp để đào tạo theo đơn đặt hàng, giải quyết việc làm cho lao động sau đào tạo đã được các cơ sở đào tạo chú trọng. Do đó, số lượng lao động có tay nghề cao có việc làm, thu nhập ổn định đạt gần 90% và chủ yếu làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế; các doanh nghiệp trong và ngoài nước với mức thu nhập ngày một cao.

Trong thời gian tới, huyện xác định tiếp tục tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với phát triển kinh tế theo thế mạnh của từng xã, thị trấn. Triển khai thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và giải pháp, tập trung tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp cho người lao động. Đồng thời, lồng nghép các chương trình, chính sách hỗ trợ người lao động học nghề; gắn kết giữa đào tạo nghề và giải quyết việc làm, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường lao động nhằm kết nối cung - cầu lao động để sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực trong huyện./.

Lê Gấm – Việt Hùng

 

VĂN BẢN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement