image banner
Độc đáo nghề sản xuất muối phơi cát truyền thống ở Quỳnh Lưu

Quỳnh Lưu là một trong những huyện có diện tích sản xuất muối bằng phương pháp phơi cát theo quy trình truyền thống có từ lâu đời, được duy trì và tổ chức sản xuất tập trung hiện có quy mô lớn nhất cả nước, với diện tích 600 ha. Để phát huy thế mạnh đó những năm qua Đảng bộ, Chính quyền huyện Quỳnh Lưu đã có kế hoạch, giải pháp chỉ đạo, định hướng đi mới phù hợp nhằm đa dạng các loại hình sản xuất, tạo được bước đột phá mới cho lĩnh vực diêm nghiệp, giúp diêm dân nâng cao thu nhập, góp phần quan trọng vào việc tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện nhà.

Nghề sản xuất muối phơi cát ở Quỳnh Lưu có từ thế kỷ XIV

Qua tìm hiểu nhiều tài liệu và theo các bậc cao niên kể lại, nhân dân Tiên Yên (nay là thôn Tân An, xã An Hòa) nói nghề muối được một người họ Nguyễn ở huyện Vĩnh Lại (Hải Dương) vào cư trú rồi truyền nghề cho. Bà con Quý Hòa lại nói, do người họ Mai ở huyện Hậu Lộc, phủ Hà Trung (Thanh Hóa) tên là Mai Phúc Trí đến định cư bày cho người dân cách nấu nước biển để lấy muối từ thế kỷ XIV. Tộc phả họ Hồ Công ở Thượng Yên, xã Quỳnh Yên ghi lại: Khi đến Thượng Yên, ông Hồ Công Hân cùng dân làng phía trên đắp đê làm ruộng, phía dưới khai phá làm muối. Như vậy nghề làm muối ở Quỳnh Lưu đã có từ thế kỷ XIV.

 Thời điểm lúc bấy giờ, nghề nấu muối của bà con diêm dân Quỳnh Lưu rất thô sơ, đơn giản, chỉ cho nước mặn vào nồi đất chưng nấu đến một thời gian nhất định, nước ngọt bay hơi hết, còn lại nước mặn kết tinh thành muối. Trước khi nấu muối được các cư dân xây lò bằng đất sét hoặc gạch, nung sành, vỏ sò, vỏ ngao thành vôi để xây. Tùy dụng cụ nấu muối mà xây lò to hay nhỏ. Dùng nồi nấu làm bằng cốt tre, bên ngoài trát bằng đất sét dày. Cách làm muối như vậy ở Quỳnh Lưu kéo dài trong nhiều thế kỷ.

Làng Quý Hòa nay thôn Tân Thắng thuộc xã An Hòa là nơi làm muối đầu tiên của huyện Quỳnh Lưu. Ông Nguyễn Hữu Nghiêm – Một người dân thôn Tân Thắng chia sẻ: Nơi đây, khi người dân xây dựng nhà cửa đã đào thấy nhiều dấu tích phục vụ nghề nấu muối từ thời xa xưa để lại như: Thùng xách muối, hầm để muối bằng đất nung, lò nấu muối cổ...

Anh-tin-bai

Nghề sản xuất muối phơi cát ở Quỳnh Lưu có từ thế kỷ XIV

Từ chỗ dùng nhiệt của củi lửa, khoảng đến cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX, nhân dân miền biển của Quỳnh Lưu chuyển sang dùng nhiệt lượng của ánh nắng mặt trời phổ biến một cách rộng rãi. Đầu tiên diêm dân dùng cát để phơi lên độ mặn, sau đó dùng nước biển lọc qua cát có độ mặn cao để lấy nước chạt, hay còn gọi là nước khắt rồi đem lên phơi nắng trên ô nề được bà con làm trên cồn cao hóng gió, hóng nắng kết tinh thành muối. Cách làm này đã có năng suất cao, hạt muối phơi bằng thủ công có vị mặn, không chát lại ngọt về sau.

Phương thức sản xuất này tuy tiến bộ hơn nhiều so với nấu muối nhưng vẫn hoàn toàn bằng thủ công. Vì vậy, sức lao động của con người đổ ra rất nhiều, trong khi đó sản lượng lại bấp bênh, phụ thuộc vào thời tiết, hàng năm chỉ sản xuất được mấy tháng cao điểm của mùa nắng, từ tháng 5 đến tháng 7. Đến năm 1960 bắt đầu hình thành HTX và tiếp theo là những năm của thập niên 60, Đảng và Nhà nước đã đưa ra chủ trương cải tạo đồng muối để sản xuất thêm chiêm vụ, tập huấn cho diêm dân kỹ thuật sản xuất muối Nghệ An, đồng thời đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại kiên cố như: Đắp đê, xây cống để lấy nước sông vào... Kể từ đó nghề sản xuất muối ở Quỳnh Lưu bắt đầu có những thay đổi rõ nét, sản lượng và chất lượng ngày càng nâng cao, giá thành sản phẩm cũng được cải thiện rõ rệt. Những tiến bộ đó đã góp phần quan trọng làm thay đổi mặt nền kinh tế địa phương.

Anh-tin-bai

Toàn huyện Quỳnh hiện có 600 ha sản xuất muối phơi cát truyền thống

Trong những năm 1971 – 1976 một sự kiện quan trọng đánh dấu việc thay đổi phương thức sản xuất là cải tạo đồng muối cũ thành đồng muối mới theo kiểu Nam Định. Nhờ có sự đầu tư của Nhà nước, Huyện ủy, UBND huyện Quỳnh Lưu chỉ đạo các xã, HTX cải tạo lại đồng muối theo quy hoạch thống nhất, huy động hàng vạn ngày công đào đắp từng đường lô, ô nề, nhăng, giếng giát, mương dẫn nước thông suốt thuận lợi trong quá trình sản xuất. Công cụ làm nghề được cải tiến theo từng giai đoạn, càng về sau càng đổi mới như xe cút kít “sộc” từ bánh gỗ, cốt gỗ sau đó đến bánh đệm gỗ cao su và cốt sắt, hiện nay là bánh xe máy vành hợp kim cốt có bi, xăm lốp hơi.

Anh-tin-bai

Từ chỗ sản xuất muối từng cồn thì thì sau năm 1970 Nhà nước quy hoạch lại thành hàng ngang, hàng dọc, từng ô theo thẳng hàng, thuận lợi cho người dân sản xuất

Ông Đinh Trọng Ẩn – Thôn Nghĩa Phú, xã Quỳnh Nghĩa cho biết: Nghề làm muối truyền thống của địa phương có từ lâu đời, trước đây việc sản xuất theo từng cồn một. Sau năm 1970 Nhà nước quy hoạch lại thành hàng ngang, hàng dọc, từng ô theo thẳng hàng, thuận lợi cho người dân tạo ra những hạt muối trắng. Nghề muối chúng tôi trước đây rất vất vả, giá bấp bênh, sáng 4h đi làm đến 10h trưa mới về, chiều 1h đi thì 6, 7h tối về, vậy nhưng từ khi được Nhà nước đầu tư đưa giát ra giữa sân phơi, trải bạt ô kết tinh, giảm được sức lao động nên bà con diêm dân rất phấn khởi.

Có thể khẳng định, qua mỗi giai đoạn, thời kỳ của lịch sử nghề muối của Quỳnh Lưu không ngừng được cải tiến, phát triển. Hiện tại Quỳnh Lưu là huyện có vựa muối lớn nhất tỉnh, với diện tích 600 ha và cũng là địa phương còn giữ được diện tích sản xuất muối theo phương pháp phơi cát thủ công truyền thống lớn nhất cả nước. Phương pháp này được người dân Quỳnh Lưu giữ gìn, lưu truyền hàng trăm năm cho đến nay. Muối được sản xuất hoàn toàn từ nguồn nước biển sạch, có vị mặn dịu, dưới ánh nắng mặt trời hạt muối kết tinh sẽ giữ được nguyên vẹn các khoáng chất tự nhiên có trong nước biển hay còn gọi là các vi lượng khoáng hữu cơ vô cùng quý giá cho sức khỏe con người.

Hạt muối phơi cát xứ Quỳnh xuất khẩu ra nước ngoài

Với việc sản xuất thủ công nhưng lại vô cùng độc đáo nên diêm dân Quỳnh Lưu đã tạo được sản phẩm muối đặc trưng, lợi ích khác biệt với tất cả các nguồn muối khác trong cả nước. Chính vì vậy được người tiêu dùng Nhật Bản, Hàn Quốc… rất ưa chuộng, tin dùng. Nắm bắt được lợi thế này và nhằm góp phần tăng giá trị hạt muối thô, những năm qua huyện Quỳnh Lưu đã quan tâm thu hút đầu tư, nới lỏng các thủ tục hành chính để thu hút nhiều công ty chế biến muối xây dựng nhà máy sản xuất tại địa phương.

Anh-tin-bai

Sản phẩm muối phơi cát Quỳnh Lưu có hạt trắng đều và có nhiều vi lượng khoáng hữu cơ rất tốt cho sức khỏe con người

Tính đến nay, trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu đã hình thành được 5 nhà máy, công ty chế biến muối tinh, muối i-ốt, muối giảm mặn đa khoáng và muối dược liệu gồm: Công ty muối HaKaMatSu liên doanh Nhật Bản; Công ty muối Nghệ An; Xí nghiệp muối Vĩnh Ngọc và Công ty TNHH MTV muối xuất khẩu chất lượng cao Việt Nam, Công ty TNHH Abaca Việt Nam. Các công ty, doanh nghiệp này đều khẳng định, muối Quỳnh Lưu đạt tiêu chuẩn để chế biến mặt hàng xuất khẩu, các hàm lượng Can xi, Nattri, Magie tự nhiên... trong hạt muối của diêm dâm làm ra đúng với tiêu chuẩn yêu cầu của bạn hàng. Vì vậy, các đơn vị chỉ cần thu mua muối, lọc những vi chất, cát sạn, tạp chất rồi xay đóng gói xuất khẩu chứ không cần thêm bớt một tỉ lệ vi chất nào. Từ hoạt động chế biến, mỗi năm các đơn vị đã thu mua, bao tiêu hàng trăm tấn muối thô cho bà con diêm dân. Trong đó, có khoảng 20.000 tấn muối tinh xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào... Từ thực tế này, có thể thấy sản phẩm muối phơi cát ở Quỳnh Lưu nhiều năm qua đã khẳng định được vị thế về chất lượng, được thị trường trong và ngoài nước đánh giá cao.

Anh-tin-bai

Mỗi năm diên dân Quỳnh Lưu sản xuất đạt 45.000 – 50.000 tấn muối

Với những nổ lực trong quá trình sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch, có chất lượng nên từ năm 2019 đến nay, huyện Quỳnh Lưu được UBND tỉnh quyết định công nhận 9 làng nghề sản xuất muối ở 9 HTX thuộc các xã Quỳnh Yên, An Hòa, Quỳnh Thuận, Quỳnh Minh, Quỳnh Thọ, Quỳnh Ngọc và Quỳnh Nghĩa. Qua đó đã tạo bước đà quan trọng để ngành diêm nghiệp của Quỳnh Lưu sang một bước tiến mới. Hiện tại, để góp phần đưa làng nghề phát triển thì các hộ diêm dân đang tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng đồng muối, xây dựng mới kho chứa muối đảm bảo, cải tạo lại chạt lọc, bổ sung thêm cát mới trên sân phơi để đảm bảo độ mặn. Trong quá trình sản xuất luôn cố gắng giữ sân phơi được sạch, không để cát bay lên ô phơi. Khi muối kết tinh thì tiến hành thu hoạch sớm khi vẫn còn ít nước trên mỗi ô. Việc này sẽ giúp khi hòa muối trong nước sẽ không có cặn bẩn, tạp chất.

Anh-tin-bai

Các ô phơi được diêm dân trải bạt nhựa HDPE nhằm giúp muối đảm bảo độ trắng, sạch và nâng cao sản lượng

Đặc biệt, sau khi được công nhận làng nghề, các HTX diêm nghiệp ở Quỳnh Lưu được Nhà nước đầu tư làm đường giao thông cấp phối nội đồng, mương tưới tiêu với kinh phí hàng tỷ đồng. Các địa phương đã vận động diêm dân tăng diện tích trải bạt trên nền kết tinh ô phơi, để sản xuất muối sạch. Đồng thời cùng với các cấp, các ngành tìm hướng liên doanh, liên kết các công ty nước ngoài để thúc đẩy mạnh mẽ, mở rộng thị trường xuất khẩu muối, tăng giá trị sản phẩm.

Ông Hồ Anh Dũng - Chủ tịch UBND xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu cho biết: Về đổi mới phương thức sản xuất vừa áp dụng cách truyền thống và vừa làm sao đảm bảo được sản lượng, năng suất nhưng chất lượng phải kèm theo thì đảng ủy, chính quyền động viên bà con, đặc biệt các thôn, các HTX dịch vụ nghề muối tiếp tục tuyên truyền bà con nhân dân đầu tư cải tạo sân phơi, ô nại để vừa đủ độ mịn, sạch, giúp hạt muối trắng hơn.

Anh-tin-bai

Để giúp diêm dân lưu giữ nghề muối truyền thống thì từ năm 2012 đến nay huyện Quỳnh Lưu được UBND tỉnh hỗ trợ xây dựng gần 10.000 bộ chạt lọc cải tiến, khoảng 7.000 hộ thụ hưởng, với trị giá gần 30 tỷ đồng. Đồng thời, hỗ trợ trải bạt nhựa HDPE trên ô kết tinh cho hơn 1.000 đơn vị sản xuất muối, trị giá 3 tỷ đồng cho 600 hộ gia đình. Bên cạnh đó, huyện cũng đã đầu tư kinh phí nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng muối gồm hệ thống kênh cấp thoát nước, cải tiến ô phơi, sân, nề... Chỉ đạo nhân dân tích cực ứng dụng công nghệ hiện đại để xây dựng thương hiệu muối sạch Quỳnh Lưu.

“Với giá trị từ nghề truyền thống có từ lâu đời và luôn được giữ gìn, phát huy theo chiều dài của lịch sử. Vì vậy, mỗi một sản phẩm muối phơi cát đã thể hiện được đậm nét dấu ấn riêng của con người, vùng đất nơi xứ Quỳnh. Để phát huy những lợi thế vốn có, huyện Quỳnh Lưu đã định hướng đầu tư xây dựng tua du lịch cộng đồng, để du khách được hòa mình, trải nghiệm các công đoạn sản xuất từ phơi cát, đưa nước lên ô phơi, thu gom muối… cùng bà con diêm dân địa phương. Qua đó nhằm tăng sức lan tỏa đối với các giá trị của nghề muối phơi cát truyền thống ở Quỳnh Lưu.” Ông Nguyễn Xuân Dinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu nhấn mạnh.

Hồng Diện

VĂN BẢN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement