Quỳnh Lưu: Tập trung phòng, chống dịch bệnh phát sinh sau ngập lụt
Trong đợt mưa lớn vừa qua, đã làm cho hàng nghìn nhà dân cùng nhiều giếng nước sinh hoạt trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu bị ngập sâu trong nước. Sau khi nước rút chính quyền các cấp của huyện cùng với ngành y tế đã kịp thời triển khai khử khuẩn giếng nước, xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh phát sinh sau ngập lụt.
Tại xã Quỳnh Giang, có gần 1.200 hộ dân bị ngập nước, trong đó có gần 300 hộ ngập nặng, có hơn 500 giếng nước, bể cạn nước lũ tràn vào, tập trung chủ yếu ở thôn 1, 6, 7, 8. Đồng thời có nhiều vật nuôi chết trôi đến các khu dân cư gây ô nhiễm môi trường. Trước thực trạng này khi nước rút đến đâu, xã đã huy động lực lượng tổng dọn vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, khơi thông dòng chảy, cống rãnh; thu gom, xử lý rác thải, xác súc vật chết tại từng khu vực bị ngập sâu. Xã chỉ đạo đội xung kích tình nguyện hỗ trợ các gia đình yếu thế, người già neo đơn tiến hành vệ sinh nhà cửa, đồ dùng, thau rửa khử khuẩn, làm trong giếng nước, bể cạn và dụng cụ chứa nước. Bà Nguyên Thị Liên thôn 6, xã Quỳnh Giang chia sẻ: Sau ngập lụt Trạm y tế và cán bộ xã đã xuống tận gia đình hướng dẫn gia đình xử lý trong giếng nước, thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng nước sinh hoạt của người dân; tư vấn dinh dưỡng, cách vệ sinh cá nhân để phòng, chống dịch bệnh.

Công tác vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước ở xã Quỳnh Giang đến nay đã cơ bản hoàn thành
Được huyện cấp 15 kg CloraminB, 10 nghìn viên Aquatabs và xã Quỳnh Giang trích kinh phí mua 8 kg CloraminB, đảng ủy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo Trạm y tế đến từng nhà dân hướng dẫn xử lý nhanh nguồn nước sinh hoạt và tiêu độc khử trùng khu vực chuồng trại chăn nuôi, công trình vệ sinh bị ngập nước. Ông Trần Hữu Thành – Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu cho biết: Địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân chủ động phòng tránh các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra sau lũ lụt như: Tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp cấp, cảm cúm và các bệnh ngoài da do tiếp xúc với nước lũ nhiều ngày nên bị nước ăn chân, ghẻ lỡ. Hiện UBND xã đang tiếp tục mua thêm 25 kg hóa chất CloraminB để phun khử khuẩn môi trường trên diện rộng và 15 lít thuốc diệt muỗi sau mưa để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.
Đợt ngập lụt vừa qua, toàn huyện có hơn 6.800 hộ và rất nhiều giếng nước, công trình vệ sinh bị ngập nước, tập trung nhiều ở các xã Quỳnh Lâm, Quỳnh Hồng, Quỳnh Diễn, Quỳnh Giang và thị trấn Cầu Giát. Với phương châm “Nước rút đến đâu, xử lý môi trường đến đó”, cán bộ, nhân viên y tế các cấp của huyện đã có mặt tại từng thôn, khu dân cư bị ngập nặng để hướng dẫn vệ sinh, xử lý ô nhiễm môi trường, đảm bảo không để tình trạng phát sinh dịch bệnh lây lan trên địa bàn.
Các địa phương ở Quỳnh Lưu tích cực hướng dẫn người dân xử lý nguồn nước sau ngập lụt
Đồng thời, các xã, thị trấn đã được Trung tâm y tế huyện đã cấp 155.000 viên Aquatabs, gần 250 kg CloraminB, 40kg phèn chua để xử lý nguồn nước sinh hoạt tại hộ gia đình. Các cơ quan chức năng của huyện chỉ đạo từng địa phương tăng cường hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, chú trọng an toàn thực phẩm, xử lý xác súc vật chết và các biện pháp vệ sinh phòng, chống dịch bệnh sau bão lụt theo khuyến cáo của Bộ y tế; tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.
Ông Nguyễn Đình Dung – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu cho biết: UBND xã đã nhận từ cấp trên 14 kg CloraminB và 400 viên Aquatabs để xử lý nguồn nước. Tuy nhiên, trên địa bàn nhu cầu cần CloraminB để xử lý môi trường, nguồn nước lớn, khoảng 400 kg mới đảm bảo cấp cho các hộ gia đình vùng ngập sâu. Do vậy bên cạnh xã trích nguồn kinh phí để mua CloraminB thì địa phương cũng đề nghị cấp trên tiếp tục quan tâm, hỗ trợ hóa chất. Hiện ngoài sự tập trung huy động lực lượng tại chỗ, UBND xã và các đoàn thể tích cực giúp đỡ hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước đảm bảo cuộc sống của bà con trở lại bình thường.
Hiện tại bên cạnh nỗ lực làm tốt công tác vệ sinh môi trường, các cơ sở y tế đã phân công cán bộ, nhân viên phối hợp với các xã, thị trấn triển khai đa dạng hoạt động chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân trong vùng ngập lụt. Qua đó, góp phần giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, tích cực khôi phục sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình và địa phương./.
Hồng Diện