Hội nghị trực tuyến triển khai công tác ứng phó với bão số 3 năm 2025
Sáng nay (20/7), Phó Thủ
tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tuyến kết nối đến điểm cầu
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; điểm cầu UBND cấp xã, phường dự
báo bị ảnh hưởng để triển khai công tác ứng phó bão số 3 năm 2025.
Quang cảnh cuộc họp tại điểm cầu tỉnh Nghệ An. (Ảnh: Báo Nghệ An)
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu xã Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Tham dự tại điểm cầu xã Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An có đồng chí Nguyễn Xuân
Dinh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cùng đại diện các phòng, ngành liên
quan.
Bão WIPHA đã đi vào vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển
Đông, trở thành cơn bão số 3 trong năm 2025. Hồi 04h00 ngày 20/7, tâm bão ở vào
khoảng 21,6 độ Vĩ Bắc, 115,4 độ Kinh Đông trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc
biển Đông, cách Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 830km về phía Đông, với sức gió cấp
11, giật cấp 14; di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 20-25km/h.
Dự báo, bão mạnh nhất đạt cấp 12, giật cấp 15 trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc biển Đông. Chiều 21/7, bão đi vào vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 10-11, giật cấp 14. Đổ bộ vào đất liền Bắc Bộ đến Nghệ An trong ngày 22/7/2025. Ngày 22/7, thủy triều thấp nhất ở mức 0,8m từ 01h00-03h00, cao nhất ở mức 3,5m từ 13h00-15h00. Dự báo, từ ngày 21/7 đến ngày 23/7, khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 200-350mm, cục bộ có nơi trên 600mm; các nơi khác ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa từ 100-200mm, cục bộ có nơi trên 300mm.
Đại diện các phòng, ngành tham dự cuộc họp tại điểm cầu xã Quỳnh Lưu.
Để chủ động đối phó với cơn bão số 3, tại Nghệ An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ cho biết, tính đến 9 giờ ngày 20/7/2025, số tàu thuyền đang neo đậu tại bến 2.314 phương tiện/9.898 lao động; số phương tiện đang hoạt động trên biển 502 phương tiện/2.746 lao động. Trong đó, số phương tiện hoạt động ở Hoàng Sa là 160 phương tiện/650 lao động đang trên đường vào ven bờ các tỉnh; 242 phương tiện/1.730 lao động hoạt động tại Vịnh Bắc bộ đang trên đường cơ động vào các cửa lạch; 98 phương tiện/358 lao động hoạt động ven bờ tỉnh Nghệ An; 02 phương tiện/8 lao động hoạt động ngoại tỉnh.
Tất cả các phương tiện đang hoạt động trên biển đã nhận được thông báo về vị trí, hướng di chuyển của Bão số 3. Các cơ quan thông tin đại chúng đã có thông báo về diễn biến Bão số 3 để các chủ hộ nuôi trồng thủy sản chủ động các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại. UBND tỉnh đã chỉ đạo tuyệt đối không để người dân ở trên lồng bè trong khi có bão, mưa lũ. Trong thời gian vừa qua, Nghệ An đã xảy ra mưa lớn cục bộ gây sạt lở đất tại một số huyện miền núi, nên trong trường hợp có mưa lớn tiếp tục xảy ra thì nguy cơ sạt lở vùng miền núi, trung du, vùng hạ du hồ đập là rất lớn. UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương tổ chức rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu đến nơi an toàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ phát biểu. (Ảnh: Báo Nghệ An)
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ cho biết thêm, ngay
trong chiều nay, đoàn công tác UBND tỉnh sẽ đi kiểm tra trực tiếp công tác ứng
phó với cơn bão ở cơ sở.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà
nhấn mạnh, đây là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh, phạm vi và cường độ ảnh hưởng
trên biển và đất liền rất rộng và nguy hiểm tập trung vào khu vực đông dân. Để
chủ động ứng phó với bão và mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất,
ngập lụt, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân và Nhà nước, Phó Thủ
tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm Công điện số
112/CĐ-TTg ngày 19/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là cơn bão đầu tiên sau
khi chính quyền địa phương 02 cấp đi vào hoạt động, bởi vậy, các Bộ, ngành, địa
phương cần chủ động để phòng, chống cơn bão…
Hội nghị được kết nối trực tuyến trên toàn quốc.
Các địa phương rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu đến nơi an toàn; có phương án hỗ trợ chỗ ở tạm, lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân phải sơ tán, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân. Khẩn trương hoàn thành việc sửa chữa, khắc phục những sự cố, hư hỏng của công trình đê điều đã xảy ra trong thời gian vừa qua; kiểm tra, rà soát sẵn sàng phương án hộ đê chống lũ trên địa bàn theo phương châm "4 tại chỗ".
Phó Thủ tướng Chính phủ lưu ý do tính chất đường đi và hoàn
lưu cơn bão, khu vực Tây Thanh Hóa, Bắc Nghệ An dự báo sẽ có mưa rất lớn bởi vậy
cần phải có phương án chống ngập lụt, sạt lở, lũ ống, lũ quét. Tuyệt đối không
được chủ quan trong công tác phòng chống bão lụt; phải luôn chủ động, sẵn sàng
phương án cho mọi tình huống trên cơ sở dự báo chính xác, kịp thời. Trong trường
hợp cần thiết để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân nếu vận động
không được thì phải thực hiện biện pháp cưỡng chế để đưa người dân ra khỏi vùng
nguy hiểm.../.
Lê Gấm – Việt Hùng