ĐỀ CƯƠNG Tuyên truyền thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu
Để
kịp thời thông tin, tuyên truyền giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa
bàn huyện hiểu đúng các quan điểm, chủ trương, phương án và lộ trình về sắp xếp
đơn vị hành chính cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa
phương 02 cấp, UBND huyện ban hành Đề cương tuyên truyền với các nội dung cụ
thể như sau:
1. Cơ sở chính trị,
pháp lý ban hành Đề cương tuyên truyền
- Nghị
quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương
Đảng khóa XIII;
-
Nghị quyết số 74/NQ-CP ngày 07/4/2025 của Chính phủ về ban hành Kế hoạch
thực hiện sắp xếp dơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính
quyền địa phương 02 cấp;
-
Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp
xếp đơn vị hành chính năm 2025;
-
Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc
phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các
cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp;
- Các kết luận, văn bản chỉ đạo của Trung ương, của
tỉnh và huyện về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và xây dựng mô hình tổ
chức chính quyền địa phương 02 cấp.
2.
Tầm quan trọng, mục tiêu, ý nghĩa việc thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị
hành chính cấp xã và xây dựng, triển khai thực hiện mô hình tổ chức chính
quyền địa phương 02 cấp
Chủ
trương tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp và sắp xếp lại đơn vị hành chính
cấp xã là định hướng lớn, mang tầm chiến lược của Trung ương. Đây là một
cuộc cách mạng, là bước đột phá về thể chế, chuẩn bị cho “tầm nhìn 100 năm”
phát triển đất nước.
Mục
tiêu cao nhất của việc sắp xếp đơn vị hành chính là nhằm phát triển đất nước,
mở rộng không gian phát triển cho đơn vị hành chính mới, phát huy vai trò dẫn
dắt của các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng; ưu tiên sắp xếp
các đơn vị hành chính miền núi, đồng bằng với các đơn vị hành chính có biển;
kết hợp hài hòa, hợp lý các đơn vị hành chính có vị trí liền kề gắn với yêu cầu
định hướng phát triển để hỗ trợ lẫn nhau, cùng thúc đẩy phát triển kinh tế của đơn
vị hành chính sau sắp xếp và yêu cầu, định hướng phát triển nhanh, bền vững của
đất nước trong giai đoạn mới.
Sắp
xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp
là yêu cầu cấp thiết, tất yếu nhằm tái định vị không gian phát triển tự
nhiên và kinh tế, gắn kết về lịch sử, văn hóa, địa lý để hình thành nên một
thực thể hành chính - kinh tế có quy mô đủ lớn; từ đó, mở rộng tầm phát triển
đi đôi với đổi mới, nâng cao năng lực quản trị đủ mạnh, có sức cạnh tranh cao
để hội nhập chuỗi giá trị quốc gia và toàn cầu. Hướng tới mục tiêu hình thành
chính quyền số, quản trị số, phát triển đô thị thông minh, vùng kinh tế tích
hợp và hành chính linh hoạt giúp giao dịch hành chính được xử lý nhanh, minh
bạch, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
3.
Định hướng thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và xây dựng tổ chức
chính quyền địa phương 02 cấp
3.1.
Về tiêu chí, tiêu chuẩn:
(1) Xã
miền núi, vùng cao hình thành sau sắp xếp có diện tích tự nhiên đạt từ 200% trở
lên và quy mô dân số đạt từ 100% trở lên. Xã hình thành sau sắp xếp không thuộc
trường hợp nêu trên có quy mô dân số đạt từ 200% trở lên và diện tích tự
nhiên đạt từ 100% trở lên.
(2)
Trường hợp sắp xếp từ 03 đơn vị hành chính cấp xã trở lên thành 01 xã, phường
mới thì không phải xem xét, đánh giá tiêu chuẩn.
Bên
cạnh việc bám sát các tiêu chí về diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số, cần
cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, tôn
giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, liên
kết tiểu vùng, quy mô, trình độ phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh
chính trị, trật tự xã hội, hạ tầng giao thông và công nghệ thông tin phục vụ
yêu cầu quản lý nhà nước và quy mô, trình độ phát triển kinh tế - xã hội.
3.2.
Về nguyên tắc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã:
Sắp
xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp
xã hiện nay theo hướng bỏ cấp trung gian (cấp huyện), hình thành các
đơn vị hành chính cấp xã
mới (gồm xã, phường và đặc khu). Đơn
vị hành chính cấp xã sau sắp xếp phải đảm bảo chính quyền địa
phương cấp xã quản lý hiệu quả địa bàn, nắm chắc tình hình, gần dân, sát dân,
phục vụ nhân dân tốt nhất.
3.3.
Về số lượng: Đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập (xã, phường,
đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố) bảo đảm cả nước giảm khoảng 60 -
70% số lượng đơn vị hành
chính cấp xã so với hiện nay.
3.4.
Về lộ trình: Dự kiến đến ngày 30/6/2025 cả nước hoàn thành việc
sắp xếp đơn vị hành chính
cấp xã.
3.5.
Về tổ chức chính quyền địa phương cấp xã: Chính quyền địa phương cấp xã có Hội
đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Hội đồng nhân dân cấp xã tổ chức 02 ban
chuyên môn giúp việc; Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức 04 phòng chuyên môn
và tương đương. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Chính phủ;
đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền địa
phương cấp xã theo năng lực và yêu cầu quản lý.
3.6.
Về nguyên tắc xác định tên gọi cấp xã: Nghiên cứu đặt tên xã, phường theo số thứ tự
hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp
huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa,
cập nhật dữ liệu thông tin. Việc đặt tên của đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp cần dễ nhận diện, ngắn
gọn, khoa học.
4. Dự kiến sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu
Huyện
Quỳnh Lưu có 25 đơn vị hành chính cấp xã,
sắp xếp thành 07 đơn vị, giảm 18 đơn vị (Có Phương án cụ thể kèm theo).
5. Dư luận xã hội và quyết tâm chính trị
đối với việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng tổ chức chính
quyền địa phương 02 cấp
Có
thể nói, cuộc cách mạng về cải cách tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị đã
và đang nhận được sự quan tâm của cán bộ, đảng viên, công chức và các tầng lớp
nhân dân. Bên cạnh sự kỳ vọng, đồng thuận, còn có nhiều băn khoăn, lo lắng về
việc dôi dư cán bộ, công chức, thất nghiệp; việc sáp nhập sẽ khó khăn về môi
trường, điều kiện làm việc, đi lại; chế độ, chính sách có liên quan; việc làm thủ
tục hồ sơ, thay đổi giấy tờ pháp lý; việc đặt tên và nơi đặt trụ sở đơn vị hành
chính mới… Đối với những dư luận, tâm tư, tình cảm, phản ánh, kiến
nghị của các tầng lớp nhân dân đã, đang và sẽ được cấp ủy đảng, chính
quyền từ Trung ương đến cơ sở lắng nghe, tiếp thu, ghi nhận, nghiên cứu và có
giải pháp đồng bộ để giải quyết. Việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là công
việc khó khăn, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi cán bộ, công chức, viên chức và ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp…
Tuy
nhiên, tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính là xu thế thời đại
và là đòi hỏi tất yếu từ thực tiễn của đất nước, của địa phương trong
việc khắc phục bất cập về thể chế, điểm nghẽn, chống sự lãng phí nguồn lực, yếu
kém trong quản lý. Đây là một cuộc cách mạng, chuẩn bị cho “tầm nhìn 100
năm” phát triển đất nước, là tiền đề, điều kiện, cơ sở để đưa đất nước bước vào
kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Chính
vì vậy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhấn mạnh:
Việc tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là quyết sách chiến
lược chưa từng có với mục tiêu cao nhất: Vì sự phát triển nhanh, ổn định,
bền vững của đất nước, chăm lo tốt hơn đời sống của nhân dân, xây dựng bộ
máy chính quyền tinh gọn, chuyển từ quản lý thụ động sang chủ động phục
vụ nhân dân, kiến tạo phát triển, đủ năng lực tổ chức triển khai có hiệu
quả các chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống trong kỷ nguyên phát triển
và thịnh vượng.
Huyện
ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện kêu gọi các cấp ủy, chính quyền, cả hệ
thống chính trị và toàn thể nhân dân trên địa bàn huyện tiếp tục phát huy
tinh thần đoàn kết, thể hiện tinh thần trách nhiệm, tạo sự đồng thuận và quyết
tâm cao trong việc thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với
cuộc cách mạng quan trọng này./.
UBND HUYỆN QUỲNH LƯU