Sáng ngày 11/01 (Tức ngày 12 tháng 12 năm Giáp Thìn), Chùa
Lam Sơn, xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu long trọng tổ chức Đại lễ Lạc thành tổng
thể khuôn viên chùa.
Dự và chúc mừng Đại lễ có các đồng chí: Nguyễn
Như Khôi, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Sỹ Nguyệt, Phó
Giám đốc Sở Nội vụ; Hoàng Văn Bộ, Bí thư Huyện ủy; Trần Việt Dũng, Phó Bí thư
Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; đại diện lãnh đạo thị xã Hoàng Mai, UBMTTQ huyện
cùng đại diện các ban, ngành, đoàn thể của huyện, xã.
Quang cảnh buổi lễ.
Các đại biểu tham dự đại lễ.
Quang lâm chứng minh và tham dự có Trưởng lão Hòa thượng
Thích Thanh Nhiễu - Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh, Phó Chủ tịch Thường
trực Hội đồng Trị sự Trung ương, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam
tỉnh Nghệ An; Hòa thượng Thích Thọ Lạc, Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội
Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ
An cùng đông đảo chư Tôn đức Tăng Ni trong ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt
Nam tỉnh Nghệ An, trụ trì các Tự viện trong và ngoài tỉnh, quý Phật tử thập
phương.
Đại Đức Thích Quảng Văn, Trụ trì chùa Lam Sơn phát biểu khai mạc.
Chùa Lam Sơn với tên xưa là chùa Làng Thượng Yên tọa lạc
xóm Thượng Yên, xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu. Theo các cụ cao niên địa phương chùa
Lam Sơn được xây dựng từ năm 1712 thời Lê Trung Hưng. Trải qua biến thiên của
thời gian và thăng trầm lịch sử, ngôi chùa đã bị phá bỏ, các đồ tế khí, tượng
Phật cũng mai một dần. Nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của
bà con nhân dân và Phật tử, ngày 8/11/2012 UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết
định chấp thuận phục hồi cơ sở Phật giáo chùa Lam Sơn với tổng diện tích đất
chùa được quy hoạch 5.482,37m2, trong đó diện tích xây dựng chùa 1.961.38m2.
Lãnh các ban, ngành, đoàn thể tỉnh Nghệ An và huyện Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai tặng hoa chúc mừng chùa Lam Sơn.
Vào cuối năm 2013, công tác khôi phục, trùng tu, xây dựng
chùa Lam Sơn được triển khai. Theo thiết kế, chùa được xây dưng theo lối kiến
trúc chùa chiền cổ phổ biến ở đồng bằng Bắc bộ. Cũng như nhiều ngôi chùa Việt
truyền thống khác, chùa Lam Sơn được xây dựng với nhiều hạng mục như đại hùng bảo
điện, nhà thờ Tổ, tả hữu hành lang, lầu chuông, lầu trống, cổng tam quan và các
công trình phụ trợ khác. Các hạng mục đều làm bằng gỗ lim và gỗ sến với tổng
khối lượng khoảng 1.200m3. Riêng khu nhà thờ Tổ được làm hoàn toàn bằng gỗ kiền
kiền, trong đó cột gỗ cao tới 7,58m.
Đông đảo chư tăng, phật tử đến dự và chung vui
đại lễ.
Đặc biệt, tại ngôi chùa có Pho tượng Phật Bồ đề đạt ma, được chế tác từ gỗ nu nghiến nguyên khối. Pho tượng này đã được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là bức tượng Bồ đề đạt ma bằng gỗ nu nghiến nguyên khối lớn nhất Việt Nam vào tháng 12/2016. Bên cạnh những hạng mục bằng gỗ, một trong những điểm nhấn của ngôi chùa là bức tượng đá Phật Di Lặc khổng lồ, được chế tác từ một khối đá nguyên khối nặng hơn 120 tấn. Bức tượng nặng hơn 60 tấn, cao 3,2 mét. Ngoài hai pho tượng tiêu biểu là Phật Di Lặc và Phật Bồ Đề Đạt Ma thì chùa Lam Sơn còn có bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát tọa lạc ngay cạnh hồ nước trong xanh trước cổng chùa. Tất cả tạo nên nét đặc biệt của chùa Lam Sơn.
Các đại biểu dâng hương, tham quan chùa.
Giờ đây chùa Lam Sơn không chỉ phục vụ cho nhu cầu
tính ngưỡng của người dân mà còn trở thành một trong những điểm đến không thể
thiếu trong hành trình của du khách thập phương mỗi khi có dịp ghé thăm vùng đất
xứ Nghệ, từ đó góp phần phát triển kinh tế và du lịch địa phương; đồng thời, góp
thêm một bông hoa tươi thắm trong vườn hoa đầy hương sắc của Phật Giáo Việt Nam.
Trong bầu không khí hỉ lạc của buổi lễ Lạc thành, đại
diện cho nhà Chùa đã trân trọng gửi lời cảm ơn lãnh đạo Đảng, Chính quyền, MTTQ
các cấp đã giúp đỡ về mọi mặt; cảm ơn tới nhân dân, các nhà hảo tâm, tín đồ Phật
tử, cùng các nghệ nhân, các kiến trúc sư, các đội thợ… đã phát tâm công đức và
công sức vào công việc kiến tạo, xây dựng thành công các hạng mục công trình
trong tổng thể khuôn viên ngôi Chùa. Buổi lễ đã thành tựu viên mãn trong
niềm hoan hỷ của toàn thể đại chúng./.
Lê Gấm – Việt Hùng