Quỳnh Lưu là huyện địa đầu xứ Nghệ, nằm trên tuyến đường giao thông huyết mạch Bắc - Nam, có 43 xã, thị trấn, gần 39 vạn dân, trong đó có 14% đồng bào theo đạo Thiên chúa, có người theo đạo Phật, có đồng bào dân tộc thiểu số, cơ cấu kinh tế theo vùng, miền rõ rệt, đã tạo nên tính đa dạng, phong phú trong đời sống văn hoá.
Trải qua quá trình biến thiên của lịch sử, các lễ hội truyền thống ở Quỳnh Lưu đã không còn giữ được nguyên vẹn bản sắc vốn có. Nhưng dù ở thời kỳ nào thì lễ hội ở Quỳnh Lưu cũng là một hình thức sinh hoạt văn hoá lành mạnh, và có tính phổ biến trong đời sống xã hội, có sức lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Các lễ hội dân gian truyền thống được khôi phục như: Lễ hội Đền Cờn, Lễ Kỳ phúc (Quỳnh Đôi), Lễ hội Đền Thượng (Quỳnh Nghĩa), đền Xuân Hoà, đền Phùng Hưng (Quỳnh Xuân), đền Chính (Tiến Thủy), đền Kim Lung (Mai Hùng)...
Lễ hội Đền Cờn. Ảnh: Nguyễn Tô Cảnh.
Điểm nổi bật của các lễ hội truyền thống ở Quỳnh Lưu là đã được xã hội hoá cao. Nhân dân đã đóng góp công đức hàng chục tỷ đồng để tu bổ di tích, mua sắm, khôi phục đồ tế khí, hàng trăm ngày công để luyện tập, tham gia lễ hội. Công tác quản lý nhà nước về lễ hội được quan tâm đúng mức, trật tự an toàn trong lễ hội được đảm bảo, không có hoạt động mê tín dị đoan… Đặc biệt, Lễ hội Đền Cờn đã được khôi phục từ năm 1999, từ đó đến nay vẫn giữ được vị thế: “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”. Lễ hội được tổ chức vào các ngày 20, 21 tháng Giêng âm lịch hàng năm, đã huy động được nhiều công, của do nhân dân địa phương, khách thập phương và các nhà hảo tâm đóng góp để tổ chức các hoạt động, tu bổ, phục dựng di tích đền Cờn, gắn với khu công nghiệp Hoàng Mai, đã mở một tiềm năng lớn cho việc phát triển kinh tế, văn hóa tâm linh và du lịch. Chỉ tính riêng từ tháng 6 đến hết 31/12/2012, đền Cờn chuyển về huyện quản lý đã huy động được nguồn công đức là 2.076.324 ngàn đồng (trong đó tiền mặt là 1.585.624 ngàn đồng, hiện vật quy đổi thành tiền là 490.700 ngàn đồng).
Sự thành công của công tác xã hội hoá trong hoạt động lễ hội ở Quỳnh Lưu, thể hiện ở tính tích cực, chủ động, tự giác của người dân, của cả cộng đồng, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự phối hợp đồng bộ của các ban ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở; đồng thời ngành VHTT chủ động xây dựng kế hoạch sớm, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong ban tổ chức, các tiểu ban, làm tốt công tác tuyên truyền, chỉ đạo, hướng dẫn, chuẩn bị các điều kiện đảm bảo... Sau các cuộc lễ hội tổ chức họp tổng kết, rút kinh nghiệm, khen thưởng động viên kịp thời.
Thời gian tới, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ươngV (khoá VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Quỳnh Lưu có quy chế tổ chức hoạt động lễ hội, triển khai Đề án xây dựng thiết chế VHTT-TT đạt chuẩn, hoạt động lễ hội gắn liền các di tích lịch sử - văn hoá, khai thác tiềm năng, bản sắc văn hóa truyền thống của di tích, địa phương, vùng miền để từng bước tu bổ, nâng cấp gắn với phát triển du lịch. Nội dung và các hình thức tổ chức lễ hội được ngành Văn hoá và các cấp, các ngành liên quan trao đổi, thông qua hội thảo rút ra các mô hình, làm hình mẫu để học tập, tổ chức tốt hơn, đáp ứng nhu cầu tâm linh và giao lưu văn hoá, thể thao, góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân huyện nhà trong công cuộc đổi mới và hội nhập.
Hồ Thanh Khương (Quỳnh Lưu)
Nguồn: Báo Nghệ An (8/1/2013)
|