Hội thảo báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ di tích Quỳnh Văn
Chiều ngày 29/4, tại xã Quỳnh Văn, Bảo tàng Nghệ An phối hợp với
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hội
thảo báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ di tích Quỳnh Văn, huyện Quỳnh
Lưu.
Toàn cảnh buổi hội thảo
Tham dự có Giáo sư, Tiến
sĩ Nguyễn Văn Kim - Phó Chủ tịch Hội đồng di sản Quốc gia, thành viên Hội đồng
UNESCO; đồng chí Bùi Công Vinh – Phó Giám Đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch,
đại diện Công an tỉnh, lãnh đạo địa phương và các chuyên gia khảo cổ trong và
ngoài nước.
Các đại biểu và chuyên
gia tham dự
_optimized.jpg)
Giáo sư, Tiến sỹ Lâm Thị Mỹ Dung - Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn báo cáo kết quả sơ bộ quá trình khảo cổ di tích Quỳnh Văn
Thực hiện Quyết định số 352/SVHTT-QLDSVH ngày 13/2/2025 của Giám đốc Sở
Văn hóa, Thể thao Nghệ An và Quyết định số 535/QĐ-BVHTTDL ngày 04/3/2025 của Bộ
trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho phép Bảo tàng Nghệ An phối hợp với
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội thăm dò,
khai quật khảo cổ tại di tích Quỳnh Văn (đóng tại thôn 6, xã Quỳnh Văn, huyện
Quỳnh Lưu) từ ngày 18/3/2025 đến ngày 29/4/2025.
_optimized.jpg)
Các bộ hài cốt được phát hiện ở độ sâu 3m
Các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật 2 hố với diện tích 18m2. Kết quả sau hơn 1 tháng khai quật, bước đầu các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều bộ di cốt và hiện vật bằng đá, bằng xương như: Rìu, mảnh tước, chày nghiền, bếp... của cư dân văn hóa Quỳnh Văn.
Các dụng cụ đồ đá được tìm
thấy trong quá trình khai quật
Đặc biệt, tại hố khai quật số 2, các nhà khảo cổ đã phát hiện 9 bộ di cốt
của cư dân văn hóa Quỳnh Văn nằm dưới độ sâu 3m so mặt đất. Các di cốt này phần lớn được táng theo tư thế bó gối đặc trưng của
văn hóa Quỳnh Văn và được phân bố tương đối dày, mỗi di cốt chỉ cách nhau khoảng
50cm. Trong đó, có 3 di cốt được xếp chồng lên nhau và ngăn cách bởi một lớp đất
mỏng, chung quanh là các lớp vỏ nhuyễn thể. Một số mộ táng phát hiện đồ trang sức
bằng vỏ sò, vỏ ốc biển. Sau khi kết thúc đợt khai quật, các hiện vật và di cốt
sẽ được các chuyên gia mang đi kiểm định Carbon phóng xạ-C14 để xác định niên đại
cũng như nghiên cứu sâu về nền văn hóa này và sẽ công bố kết quả trong thời
gian sớm nhất.
Giáo sư Piper Philip John, Đại học Quốc gia Úc đánh giá cao kết quả của đợt khai quật khảo cổ lần này
_optimized.jpg)
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kim - Phó Chủ tịch Hội
đồng di sản Quốc gia, thành viên Hội đồng UNESCO phát biểu tại hội thảo
Đồng chí Bùi Công Vinh – Phó Giám Đốc Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định đây là đợt khai quật khảo cổ có giá trị lịch
sử quý báu
Việc tiếp tục khai quật nghiên cứu di tích khảo cổ học Quỳnh
Văn nhằm tìm hiểu và làm rõ hơn niên đại của di tích, xác định giá trị của di
tích trong tiến trình lịch sử. Từ đó đóng góp thêm tư liệu cho lịch sử tiền sơ
sử Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung, cung cấp bằng chứng khoa học cho
việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử cấp Quốc gia di tích Quỳnh Văn./.
Như Thủy-
Việt Hùng