Quỳnh Lưu: Tiếp thu có chọn lọc các ý kiến góp ý về tên gọi mới của những xã sau sáp nhập trên không gian mạng
Giai đoạn 2023 – 2025, huyện Quỳnh Lưu thực hiện sắp xếp
lại 17 đơn vị hành chính cấp xã thành 8 đơn vị hành chính mới. Để thực hiện tốt
công tác này bên cạnh chuẩn bị các bước cần thiết thì việc lựa chọn tên cho các
địa phương mới được huyện Quỳnh Lưu cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo có ý nghĩa,
phù hợp với yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa và nhận được sự đồng thuận của
nhân dân. Chính vì vậy, thời gian qua, các tổ công tác của Ban Chỉ đạo huyện sắp
xếp đơn vị hành chính cấp xã đã cùng với các địa phương nghiên cứu, bàn bạc thống
nhất các tên gọi trước khi đưa ra lấy ý kiến của nhân dân.
Ban chỉ đạo huyện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tổ chức hội nghị triển khai một số nội dung thực hiện công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, giai đoạn 2023 – 2025
Những ngày qua, ở huyện Quỳnh Lưu dự kiến đặt tên mới
cho đơn vị hành chính sau sáp nhập bên cạnh tạo được sự đồng thuận trong cán bộ,
đảng viên và nhân dân thì vẫn còn một số tên đơn vị hành chính mới sau sáp nhập
đang đặt ra nhiều băn khoăn, trăn trở trong dư luận nhân dân. Cụ thể như xã Quỳnh Đôi sáp nhập xã Quỳnh Hậu, dự
kiến tên xã mới là Đôi Hậu; sáp nhập xã Quỳnh Mỹ và Quỳnh Hoa, dự kiến tên xã mới
là Hoa Mỹ; sáp nhập xã Quỳnh Lương và Quỳnh Minh, dự kiến tên xã mới là Minh
Lương; sáp nhập xã Sơn Hải và Quỳnh Thọ, dự kiến tên xã mới là Hải Thọ; sáp nhập
xã Quỳnh Long và Quỳnh Thuận, dự kiến tên xã mới là Thuận Long…
Đồng chí Nguyễn Xuân Dinh – Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nhấn mạnh quan điểm chung của huyện tất cả các ý kiến kể cả xây dựng, phản biện hay là không thống nhất và các ý kiến khác trên không gian mạng thì huyện đều rất trân trọng, tiếp thu có chọn lọc
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dinh – Phó Chủ tịch
UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: Việc ghép tên 2 xã sáp nhập thành tên xã mới
theo phương án hiện tại, huyện cũng đang có những băn khoăn, trăn trở. Theo
quan điểm và phương án dự kiến đặt tên ban đầu huyện lựa chọn là giữ lại tên
của 1 trong 2 xã sáp nhập với mục đích là giảm áp lực cho người dân trong việc
thay đổi thông tin trên các giấy tờ sau sáp nhập. Ví dụ, xã Quỳnh Long sáp nhập
xã Quỳnh Thuận, lấy tên xã mới là Quỳnh Thuận; hay xã Sơn Hải sáp nhập xã Quỳnh
Thọ, lấy tên Sơn Hải; xã Quỳnh Hậu sáp nhập Quỳnh Đôi, lấy tên Quỳnh Đôi…
Sở Nội vụ kiểm tra công tác chuẩn bị sáp nhập tại huyện Quỳnh Lưu
Tuy nhiên, khi lấy ý kiến trong Ban chấp hành Đảng bộ các
địa phương sáp nhập (có đơn vị lấy ý kiến tận các chi bộ), một số cán bộ, đảng
viên các địa phương không đồng tình với phương án huyện đưa ra và đề xuất một
phương án khác. Mặc dù, Ban chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của huyện
đã rà soát lại, đồng thời, thành lập các tổ công tác về làm việc với từng đơn
vị và làm việc chung với các đơn vị sáp nhập với nhau; có đơn vị, ngoài họp ban
chấp hành Đảng bộ xã, còn họp các đại biểu HĐND xã, bí thư chi bộ, xóm trưởng,
trưởng các đoàn thể để tuyên truyền, vận động, nhưng vẫn chưa tạo được sự thống
nhất theo phương án ban đầu.
Đến thời điểm này, do yêu cầu chốt nội dung để làm các quy
trình tiếp theo trong lộ trình sắp xếp, nên huyện có văn bản đề xuất với tỉnh
điều chỉnh tên gọi 5 đơn vị hành chính sau sáp nhập theo đề xuất của các đơn
vị, bởi theo quy định, việc đặt tên xã phải tôn trọng ý kiến cán bộ và người
dân địa phương.
Danh sách cử tri được các địa phương niêm yết tại nhà văn hóa thôn và trụ sở làm việc của xã
Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cũng thông tin thêm: Việc
xác định tên gọi các đơn vị hành chính sau sáp nhập tiếp tục lấy ý kiến rộng
rãi của cử tri và nhân dân, dự kiến tổ chức vào ngày 3 – 5/5 tới; nếu còn có ý
kiến trái chiều thì tiếp tục xem xét và làm lại quy trình. Sau ý kiến của cử
tri, HĐND xã sẽ tiến hành họp, đến HĐND huyện và HĐND tỉnh họp để thông qua đề
án sắp xếp đơn vị hành chính, khi đó tên gọi mới được “chốt” chính thức để
trình Trung ương xem xét, quyết định.
Việc đặt tên đơn vị hành chính mới sau sáp nhập, qua nắm
bắt ở một số địa phương, tâm lý, tư tưởng cục bộ địa phương trong một số cán
bộ, đảng viên và người dân không muốn “mất” tên xã mình. Đặc biệt, trong vài
ngày gần đây trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin trái chiều về
dự thảo tên gọi cho các đơn vị hành chính mới của một số xã ở huyện Quỳnh Lưu;
nhiều nhất là xã Quỳnh Hậu và Quỳnh Đôi sáp nhập thành xã Đôi Hậu; Quỳnh Hoa và
Quỳnh Mỹ thành xã Hoa Mỹ…
Trước các luồng thông tin này, ông Nguyễn Xuân Dinh – Phó
Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: Đây mới chỉ bước dự thảo chuẩn bị cho hoạt động
lấy ý kiến của nhân dân. Quan điểm chung của huyện tất cả các ý kiến kể cả xây
dựng, phản biện hay là không thống nhất và các ý kiến khác trên không gian mạng
thì huyện đều rất trân trọng, tiếp thu có chọn lọc. Từ đó tiếp tục nghiên cứu
để lựa chọn phương án tốt nhất, đảm bảo theo yêu cầu hướng đến sự đoàn kết,
đồng thuận của nhân dân; nhất là nhân dân ở các xã thực hiện sáp nhập. Đồng
thời, tránh sự áp đặt tên gọi để sau này không phải tạo ra sự xung đột, mâu
thuẩn, kỳ thị trong nhân dân. Vì vậy, ngoài các yếu tố tôn trọng lịch sử thì
huyện sẽ cân nhắc lựa chọn phương án đúng nhất và phải tính đến sự chung nhất,
chứ không phải mang tính cục bộ ở một địa phương.
Thời điểm này, huyện Quỳnh Lưu sẽ tiếp tục nắm bắt dư luận
xã hội thông qua các kênh có chức năng tổng hợp như: Ban Tuyên giáo Huyện ủy,
Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện Quỳnh, MTTQ và các đoàn thể,
các kênh của Đảng… nhằm lắng nghe, tiếp thu. Qua đó, để có tên gọi tạo được
đồng thuận của đại đa số cử tri ở đơn vị sáp nhập, phù hợp với lịch sử, văn hóa...
Huyện cũng khuyến khích sử dụng tên đã có để giảm các thủ tục hành chính sau
sáp nhập. Cùng với đó, chỉ đạo các cấp, các ngành và hệ thống chính trị vào
cuộc tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu và đồng thuận. Tạo điều kiện
thuận lợi cho huyện chốt Đề án và
trình Chính phủ phê duyệt./.
Trung tâm VH, TT &
TT huyện Quỳnh Lưu