Đã từ lâu, xã Quỳnh Hậu (Quỳnh Lưu) được người dân trong và ngoài huyện biết đến với sản phẩm miến gạo chất lượng cao. Nhờ làm nghề, nhiều gia đình đã có nguồn thu khá và vươn lên làm giàu. Miến gạo Quỳnh Hậu đang dần khẳng định thương hiệu, trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây...
Thời điểm này đang là vụ sản xuất chính nên ngay từ đầu xã đã thấy những tấm phên, cây sào phơi miến gạo khắp ngoài ngõ trong sân mỗi gia đình ở Quỳnh Hậu.
Ông Nguyễn Trần Cường - Chủ tịch UBND xã cho biết: Nghề làm miến gạo ở Quỳnh Hậu xuất hiện từ những năm 1980 và phát triển mạnh từ năm 2005 trở lại đây. Hiện toàn xã có hơn 40 hộ làm nghề sản xuất miến gạo, chủ yếu tập trung ở 2 làng Thượng Hùng và Phú Thành; thu hút khoảng 150 lao động với mức thu nhập bình quân từ 60.000 - 70.000 đồng/người/ngày. Trước đây việc xay bột, tráng bột, thái bánh làm bằng tay nên năng suất thấp (một hộ chỉ chế biến được 15 - 20kg gạo/ngày). Nhưng từ năm 2006 trở lại đây, nghề làm miến đã được hỗ trợ bằng máy liên hoàn (máy xay, máy đập bột, máy cán sợi) nên năng suất tăng gấp 10 lần, cho sản phẩm có chất lượng và mẫu mã đẹp hơn nhưng vẫn giữ được hương vị đặc trưng. Nếu làm hết công suất mỗi máy đạt từ 200 - 220kg gạo/ngày và tạo được việc làm cho 3 - 4 lao động/máy; bình quân mỗi ngày cả xã chế biến 7- 8 tấn gạo. Ngoài ra, nghề này còn tạo công ăn việc làm cho đội ngũ lao động khoảng hơn 100 người trong thời gian nông nhàn chuyên đi bán miến, trao đổi phế liệu ở các xã miền tây của huyện. Để đảm bảo chất lượng, các hộ làm nghề đều có bản cam kết không sử dụng hàn the, thuốc tẩy hay các chất phụ gia khác và phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Do luôn giữ chữ tín và quan tâm đến chất lượng nên đầu ra của miến gạo Quỳnh Hậu khá thuận lợi, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, được bạn hàng trong và ngoài huyện ưa chuộng.
Được biết, trước đây do kinh tế khó khăn, nhiều người dân phải rời quê đi khắp các tỉnh thành trong cả nước kiếm viêc làm. Sau đó, chính họ đã đưa nghề làm miến về cho địa phương. Gạo để làm miến không cần kén chọn lắm, nếu dùng gạo dẻo, gạo thơm thì miến thường không ngon và hay bị gãy sợi; trước đây bà con thường chỉ làm miến từ giống lúa Khang dân 18 sản xuất tại địa phương, nhưng khi sản lượng tăng lên thì trong những năm gần đây đã nhập thêm gạo các giống V từ các địa phương khác. Nguồn nước làm miến phải là nước tự nhiên lấy từ giếng khoan được lọc sạch qua hệ thống bể lọc. Các năm gần đây, nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc, xây dựng nhà xưởng để phát triển nghề, nhiều hợp đồng đặt hàng dài hạn được ký kết, càng khích lệ bà con hăng hái sản xuất.
Trong câu chuyện với anh Lê Tiến Hoan (ở xóm 8, Quỳnh Hậu) được biết: Anh Hoan đã gắn bó với nghề làm miến từ thuở thiếu thời. Từ việc làm thủ công giá trị lao động thấp, năm 2005 vợ chồng anh bàn bạc đầu tư 20 triệu đồng mua máy về sản xuất; hiện gia đình anh hoan có 3 lao động chính làm nghề, bình quân mỗi ngày sản xuất và tiêu thụ hơn 200 kg gạo (1kg gạo làm ra được 8,5 lạng miến khô), sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 200.000 đồng. Mỗi vụ miến thường kéo dài từ tháng 6 đến hết tháng giêng, những tháng cuối năm cả gia đình phải tập trung làm từ sáng sớm đến đêm khuya mới đủ lượng hàng cung cấp cho tư thương. Làm miến phải trải qua nhiều công đoạn, và sản xuất theo quy trình liên hoàn nên người dân làm không hết việc. Trước hết phải ngâm gạo từ 15 - 20 phút rồi cho vào máy đập bột, tiếp tục cho bột vào máy cán thành sợi, ủ sợi miến trong vòng 10 tiếng sau đó rũ trong nước lạnh và đem phơi khô trên sào...
Nhờ sản phẩm miến gạo, bà con Quỳnh Hậu đã có nguồn thu nhập khá và vươn lên làm giàu.
Cùng với việc duy trì và phát triển nghề làm miến, gia đình anh còn tích cực sản xuất nông nghiệp để lấy nguyên liệu phục vụ cho nghề, đồng thời tận dụng sản phẩm phụ đẩy mạnh chăn nuôi gia súc gia cầm, hạn chế chi phí sản xuất.
Tuy nhiên làng nghề miến gạo hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, như thiếu vốn đầu tư sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định. Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường cũng là vấn để nan giải mà địa phương chưa tìm ra cách giải quyết. Nhất là vào thời điểm chính, do sản lượng miến tăng nên nguồn nước thải nhiều lại đổ thẳng ra cống rãnh; hệ thống thoát nước không được nạo vét thường xuyên cộng với trách nhiệm và ý thức bảo vệ môi trường của người dân cũng chưa thật sự cao.
Để phát triển nghề và sản phẩm miến gạo có chỗ đứng trên thị trường, ngoài việc tập trung xây dựng thương hiệu thì vấn đề môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm cần phải được giải quyết triệt để. Có như vậy, người dân làng nghề mới có cuộc sống ấm no, bền vững nhờ nghề truyền thống.
Ngọc Anh
Nguồn: Báo Nghệ An (29/6/2012)
|